Rời Hà Nội, chúng tôi men theo quốc lộ 32 lên trại giam Yên Hạ (Phù Yên, Sơn La) trong một ngày cuối năm có nắng hanh vàng. Sau những cung đường quanh co, khúc khuỷu của núi đồi Tây Bắc, xe của chúng tôi dừng tại cổng trại khi mặt trời chiếu những tia nắng yếu ớt màu vàng nghệ xuyên qua lớp sương lạnh sà xuống núi đồi Phù Yên.
“Ruồi vàng, bọ chó, gió Phù Yên”
Đón chúng tôi ngay ở cổng trại giam là Trung tá Bùi Văn Hùng sinh năm 1960 người Hưng Yên. Năm 1978, khi vừa tròn 18 tuổi, anh Hùng nhận lệnh lên công tác tại trại giam Phù Yên. Lúc mới đặt chân đến mảnh đất này, anh và các đồng đội dưới miền xuôi đến cùng đợt cảm thấy rất buồn, chán nản. Bởi cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thay vì ăn cơm tẻ hàng ngày, các anh phải ăn cơm nếp triền miên đến sợ hãi hoặc ăn cơm độn sắn, ngô mà không có rau… Bên cạnh đó là sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến con người mệt mỏi.
“Khí hậu của Phù Yên chịu ảnh hưởng nặng nề của gió Lào khô nóng khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu như ai chúng tôi, ai cũng mắc bệnh về đường hô hấp. Hôm nào có gió Lào thổi, biết ngay bởi quần áo vừa giặt xong, chỉ để ở trong nhà một lúc cũng khô cứng như mo lang, cảm tưởng bẻ gãy được”, Trung tá Hùng chia sẻ.
Nói thêm về sự khắc nghiệt của gió Lào, anh kể: “Tôi là người Hưng Yên, lúc mới lên đây nhận công tác, đang ở trong phòng nóng bức, nghe gió thổi vù vù, chạy vội ra hóng gió. Vừa đứng được ít phút, thấy người ngợm khô lại vì mất nước, các mạch máu nhỏ ở mũi rỉ máu…”.
Thiên nhiên khắc nghiệt là vậy, thế nhưng những cán bộ công tác tại trại giam Yên Hạ cũng như anh Hùng luôn nhắc nhở mình phải cố gắng vượt lên mọi hoàn cảnh. Để rồi sau bao năm gian khó, những câu chuyện về tình người cứ thế nối tiếp, kéo dài mãi theo trang sử của trại giam…
Những câu chuyện không bao giờ quên
Đưa tay chỉ về dòng suối trước mặt, anh Hùng bảo, là người miền xuôi lên, thấy nước suối trong vắt nhìn được từng con cá, các anh rủ nhau tắm suối. “Tắm xong lên, sờ người thấy nhớp nhớp, vài hôm sau ai tắm suối cũng bị hắc lào”, anh Hùng mỉm cười nhớ lại.
Lên Yên Hạ công tác năm 1978, 4 năm sau anh mới được đơn vị cho về nghỉ phép. Ngày nhận phép, anh Hùng hạnh phúc đến rớt nước mắt. Nhiều đồng đội của anh cũng vui lây bởi họ có cơ hội nhờ anh chuyển những bức thư chứa chan nỗi nhớ gia đình, vợ con. “Trước hôm về, tôi không thể ngủ được vì cảm giác vui sướng. Thức cả đêm để chuẩn bị cặp to, cặp nhỏ đồ đạc, quần áo cũng như thức để sắp xếp mấy chục bức thư của anh em vào chiếc xa cốt mang về xuôi gửi hộ. Tinh mơ sáng hôm sau đã dậy, ra ngoài thị trấn bắt xe xuống Yên Bái để đi tàu hỏa xuống Hà Nội về quê…”.
Khi tôi hỏi Tết này anh có về quê không, anh bảo chắc tôi lại về đợt 2 (sau Tết), lại không được đón giao thừa cùng cả nhà rồi. Vậy 37 năm công tác tại đây, bao nhiêu lần anh được về nhà đón giao thừa cùng gia đình? Dứt câu hỏi của tôi, anh cười buồn: ít lắm. Những lần về chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ánh mắt anh xa xăm, anh kể cho tôi nghe kỷ niệm về cái Tết xa nhà đầu tiên.
Lần đầu tiên đón Tết xa gia đình, khi thời khắc giao thừa đến, bên đống lửa to đốt lên để sưởi ấm, anh khóc như đứa trẻ vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, người yêu. Ngoảnh mặt sang các đồng đội, anh thấy mắt ai cũng ngấn lệ. “Cảm xúc nhớ nhà khó tả lắm. Chẳng ai nói với ai, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ, sau đó kể cho nhau nghe những cái Tết vui vẻ bên người thân của mình. Với tôi, đó là hình ảnh mẹ nấu nồi nước lá mùi to cho cả gia đình tắm với mong muốn trút bỏ những phiền muộn, xui xẻo của năm cũ để chào đón năm mới vui vẻ, khỏe mạnh, may mắn cho cả gia đình. Còn cha thắp hương ông bà tổ tiên. Hay cảnh gia đình quây quần bên mâm cơm Tất niên... Và hôm sau, tôi sẽ cùng lũ bạn mang những đồng xu đã chuẩn bị từ trước đi đánh đáo…”.
Như đã thành thông lệ, hiện nay, ngoài việc đón Tết cùng anh em trong cơ quan, anh Hùng và một số cán bộ khác lên bản đón Tết cùng dân. Những cái Tết xum vầy trong căn bếp ấm của người dân bản xứ khiến cảm giác nhớ nhà được thay bằng tình người ấm áp.
Nối tiếp bước chân cha, con trai anh Hùng cũng theo nghề quản giáo. Hiện tại con trai anh Hùng đang công tác tại phân trại số hai thuộc trại giam Yên Hạ. “Lúc con trai tôi đòi theo nghề, bà xã tôi phản đối kịch liệt. Bà ấy bảo bố mày đã “hết đời” ở đấy rồi, giờ mày lại theo nghề à. Nhưng nhờ sự động viên, giải thích của hai bố con, bà xã tôi đã vui lòng để con trai theo nghề của bố. Vợ tôi phản đối thì phản đối chứ bà ấy thương và tự hào về chồng con lắm” – anh nói./.