Bé vừa chào đời đã bị gãy xương, người nhà tố bệnh viện

Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar
Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar
(PLO) -Mặc dù được xác định là ca đẻ khó nhưng các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn để sản phụ Lê Thị Thanh Nhàn (SN 1994, ngụ xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) sinh thường. Hậu quả, con chị Nhàn vừa sinh đã phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu vì rơi vào tình trạng tím tái cơ thể.

Vừa sinh đã bị gãy xương đòn

Theo đơn khiếu nại của anh Nguyễn Xuân Bửu (SN 1996, chồng chị Nhàn) gửi báo Pháp luật Việt Nam: Chiều 16/12/2017, vợ anh cảm thấy đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ nên gia đình đưa chị Nhàn tới Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ đã yêu cầu chị Nhàn nhập viện để tiện cho việc theo dõi.

Đến sáng 18/12/2017, chị Nhàn bắt đầu chuyển dạ và được đưa vào phòng chờ sinh. Khoảng hơn 10 giờ cùng ngày, chị Nhàn sinh hạ được một bé trai, nặng 3kg. Nhưng chưa đầy hai tiếng sau, các bác sĩ đã gọi người nhà vào gặp và có yêu cầu đưa cháu bé lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu. 

Quá bàng hoàng trước yêu cầu trên nhưng vì tính mệnh con quan trọng hơn hết nên anh Bửu đã làm đơn xin chuyển con lên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar chấp thuận.

Trong quá trình cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh các bác sĩ đã kết luận cháu bé bị suy hô hấp nặng. Cháu bé tiếp tục được các bác sĩ đưa đi chụp X-quang và siêu âm, đến 15 giờ cùng ngày, các bác sĩ có thêm kết luận: Cháu bé bị gãy xương đòn và gãy xương sườn. 

Trong giấy ra viện vào ngày 28/12/2017 của cháu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cũng thể hiện rõ tình trạng của con chị Nhàn với chuẩn đoán cháu bé bị suy hô hấp,chậm hấp thu dịch phế nang, nhiễm khuẩn sơ sinh, gãy 1/3 giữa xương đòn phải. 

Quá bức xúc vì sự tắc trách của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar khiến con trai mình rơi vào tình trạng nguy hiểm nên anh Bửu đã làm đơn khiếu nại gửi tới nhiều cơ quan, trong đó có Sở Y tế Đắk Lắk, với mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân con mình bị gãy xương đòn và xương sườn ngay vừa khi sinh ra. 

Ông Châu Đương – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar
Ông Châu Đương – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar

Chưa xác định rõ nguyên nhân

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện huyện Cư M’gar. Tại bệnh viện, ông Châu Đương – Giám đốc bệnh viện xác nhận: Vào khoảng giữa tháng 12/2017, bệnh viện có tiếp nhận trường hợp sản phụ tên Lê Thị Thanh Nhàn. 

Ông Đương cho biết: “Khoảng 30 phút sau khi cháu bé chào đời, cơ thể cháu có dấu hiệu tím tái và thở rên, các y bác sĩ nghĩ rằng cháu bé hít phải nước ối nên đã yêu cầu gia đình chuyển bé lên tuyến trên để cấp cứu. Theo nguyện vọng, bệnh viện đã chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Tôi nắm bắt được, qua quá trình thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ đã chuẩn đoán cháu bé bị suy hô hấp và gãy xương đòn, nhưng vẫn chưa xác định chính xác được vì sao cháu bé lại bị như vậy”.

Bên cạnh đó, ông Đương thông tin rằng, do khung xương chậu của chị Nhàn hẹp nên có thể lúc rặn đẻ đã xảy ra tai nạn không mong muốn. Được biết, đến thời gian sinh, thai nhi đã được 37 tuần tuổi, sức khỏe của sản phụ Nhàn hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. 

“Sau khi tiếp nhận đầy đủ thông tin, ban lãnh đạo đã chỉ đạo cho khoa họp kiểm điểm, ê kíp trực ngày hôm đó cũng đã nhận lỗi, có sơ sót trong quá trình đỡ đẻ. Phía bệnh viện đã phê bình, kỷ luật cắt thi đua khen thưởng trong quý IV, năm 2017 của các thành viên trong ê kíp trực. Đồng thời đã cử người đến thăm hỏi, động viên gia đình bệnh nhân”, ông Đương giãi bày.

Được biết, ê kíp trực ngày chị Nhàn sinh gồm có 2 bác sĩ và 2 nữ hộ sinh. Cụ thể, bác sĩ Bùi Thị Phương Thảo, công tác tại bệnh viện từ năm 2011, đã tốt nghiệp đại học chính quy, sau thời gian ngắn công tác tại bệnh viện, đã được cử đi học chuyên khoa sơ bộ ở Hà Nội. 

Bác sĩ Võ Thị Một, nguyên trước đây là y sĩ sản nhi tại bệnh viện từ năm 1993. Đến năm 2010, được cử đi học chuyên tu bác sĩ tại Đại học Tây Nguyên, sau đó tiếp tục được đi học chuyên khoa sơ bộ ở Huế. Hai nữ hộ sinh trong trong ê kíp là Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Trang. Cả 4 người trong ê kíp trực đều có thâm niên công tác và có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp. 

Giấy ra viện của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh
Giấy ra viện của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Dũng – Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: Phía Sở y tế có tiếp nhận đơn khiếu nại của gia đình chị Lê Thị Thanh Nhàn vào ngày 4/1/2018. Đơn có nội dung khiếu nại các bác sĩ, y tá Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar tắc trách trong quá trình thăm khám và đỡ đẻ cho sản phụ Nhàn, dẫn đến cháu bé khi sinh ra bị suy hô hấp, gãy xương đòn và gãy xương sườn. 

“Ngay khi tiếp nhận đơn khiếu nại, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo, và sau đó giao cho phó chánh thanh tra vào cuộc, xác minh xử lý”, ông Dũng cho hay.

Sở Y tế cũng đã chuyển đơn cho Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho gia đình đương sự về việc đã chuyển đơn. 

“Vụ việc thuộc thẩm quyền của đơn vị thì để đơn vị giải quyết, nếu bên đương sự không đồng ý thì Sở Y tế mới vào cuộc. Vấn đề này phải giải quyết theo trình tự, nếu sai xót ở chuyên môn, đơn vị sẽ phải xem xét vấn đề, sau đó chuyển xuống khoa, xuống nhân viên trong khoa rồi đến kíp trực ngày hôm xảy ra vụ việc. Nếu không có vấn đề gì lớn, sẽ xem xét đơn thư và trả lời cho đương sự biết”, tiếp lời ông Chánh thanh tra.

Trách nhiệm của bệnh viện đến đâu?

Tính đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của con trai chị Nhàn đã dần ổn định, tuy nhiên gia đình chị Nhàn có mong muốn Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar phải có trách nhiệm với con của chị, nếu sau này cháu bé có vấn đề gì liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, yêu cầu các bác sĩ, y tá khoa sản cũng như các khoa khác phải làm việc có trách nhiệm, đối xử công bằng với tất cả các bệnh nhân. 

Cần phải phán đoán nhanh chóng và nhạy bén các ca đẻ khó, ngoài khả năng làm việc chuyên môn thì phải có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho tính mạng cũng như sức khỏe của các bệnh nhân. Đồng thời, mong muốn bệnh viện phải sắp xếp lịch nghỉ, lịch trực cho công tác hợp lý, để trong trường hợp cần thiết sẽ có đầy đủ ê kíp mổ, ê kíp cấp cứu kịp thời chứ không phải trong tình trạng “cố đẻ đi chứ hôm nay không có ê kíp mổ” giống trường hợp của sản phụ Nhàn. Điều cuối cùng gia đình nạn nhân mong muốn ban lãnh đạo bệnh viên phải đưa ra hình phạt xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với những y bác sĩ đã làm việc tắc trách trong trường hợp của mình.

Đơn khiếu nại của gia đình chị Nhàn
Đơn khiếu nại của gia đình chị Nhàn

Chị Nhàn chia sẻ: “Phía Bệnh viện Đa khoa Cư M’gar có cử 4 người tới thăm hỏi mẹ con tôi và cho quà, trong buổi nói chuyện họ đã có lời xin lỗi và mong muốn gia đình tôi rút đơn khiếu nại. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý vì sau này con tôi có mệnh hệ gì thì ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?”. 

Đọc thêm

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.