Bệnh viện E vừa cứu sống một nam bệnh nhi (12 tuổi, Hà Nội) bị sốc đa chấn thương nghiêm trọng: chấn thương bụng kín, vỡ bàng quang độ 2, chấn thương khung chậu, vỡ xương chậu trái…, do xe ba gác chở xi măng chèn qua người.
Người nhà kể lại, trước đó trên đường đi học trở về, bệnh nhi đi bộ xảy ra va chạm với xe ba gác chở xi măng và bị bánh xe chèn qua người. Sau tai nạn, bệnh nhi xuất hiện hiện tượng đau, sưng nề, bầm tím và chảy máu nhiều vùng hông, hạ vị… Bệnh nhân nhanh chóng được sơ cứu ngoại viện và chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
ThS.BS Đỗ Quốc Phong – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc cho biết, bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốc đa chấn thương, mất máu nặng, cơ thể nhiều vùng sưng nề, đụng dập, bầm tím cơ thể…
Đây là một ca đa chấn thương do tai nạn nghiêm trọng, bệnh nhi nhỏ tuổi nhưng cùng lúc chịu nhiều thương tổn, biểu hiện tình trạng sốc mất máu nặng, người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, bệnh nhi này bị chấn thương vùng khung chậu, vùng đùi nên đã dẫn đến tình trạng mất máu rất nghiêm trọng, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc cầm máu cho người bệnh. Bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ, hội chẩn nhiều chuyên khoa để tìm phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Các bác sĩ đã nhanh chóng phối hợp thực hiện cầm máu ở các vị trí gây mất máu nhiều cho bệnh nhi.
"Bệnh nhi bị chấn thương khung chậu, đụng dập cơ vùng đùi, chấn thương bụng kín… đây là những chấn thương rất phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng ngay lập tức. Khi vận chuyển người bệnh, nếu không cố định người bệnh tốt có thể làm trầm trọng hơn các thương tổn, nhất là đối với tổn thương vỡ khung chậu và gãy xương lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh", Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc nhận định.
Trong 24 giờ đầu sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã phải truyền gần 4 lít máu để duy trì sự sống cho người bệnh. Tuy nhiên, truyền máu khối lượng lớn mặc dù có thể giúp người bệnh vượt qua khỏi giai đoạn nguy kịch nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng truyền máu nguy hiểm cần phải được xử trí kịp thời như: các tổn thương phổi, tổn thương ống thận, biến chứng nhiễm độc citrat và hạ canxi, biến chứng hạ thân nhiệt, quá tải tuần hoàn…
Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định. Bệnh nhi đang được tiếp tục theo dõi điều trị các thương tổn và tập phục hồi chức năng tại giường bệnh.
Qua trường hợp bệnh nhi này, bác sĩ Phong khuyến cáo, với trường hợp bị sốc đa chấn thương phức tạp thì việc xử trí nhanh chóng, chính xác, kịp thời để tránh bỏ qua thời cơ cấp cứu bệnh nhi rất quan trọng.