Theo báo Người lao động: Sáng 28-11, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xác nhận thông tin vừa xảy ra vụ một học sinh mầm non tử vong trong trên địa bàn.
"Sự việc này tôi cũng đã báo cáo lên UBND huyện Sóc Sơn, Sở GD-ĐT Hà Nội. Hiện cơ quan công an vẫn đang làm rõ nguyên nhân sự việc nên tôi chưa thể thông tin thêm" - vị lãnh đạo này cho biết.
Theo thông tin ban đầu, chiều 25-11, bé trai tên Đ.T. (học sinh lớp mẫu giáo 3 tuổi tại trường mầm non Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) chơi cầu trượt trong khuôn viên nhà trường thì gặp sự cố, mắc kẹt nhưng không ai phát hiện ra.
Sau đó, một giáo viên phát hiện ra và hô hoán đưa bé đến phòng y tế của trường sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện cứu chữa.
"Đau xót quá, sáng cháu đi học vẫn vui vẻ còn vẫy tay chào mọi người mà giờ cháu vĩnh viễn không còn nữa. Giá mà lúc cháu bị kẹt trong cầu trượt, la khóc, giãy giụa có ai đó nhìn thấy cháu. Cứ nghĩ đến lúc cháu bị kẹt, đau đớn và sợ hãi là tôi không thể chịu được" - một người thân của cháu T. đau xót nói.
Báo PNVN đưa tin: Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi được BV Bắc Thăng Long chuyển đến lúc 10h45 ngày 25/11 trong tình trạng hôn mê sâu, không có đáp ứng với kích thích, đồng tử giãn, nhịp tim 140l/p; huyết áp 101/47, mặt có một số vết xuất huyết nhỏ, không phát hiện có xây xước ngoài da. Các bác sĩ BV Bắc Thăng Long cho biết, khi tiếp nhận, bé đã ngừng tim. Tuy nhiên, sau khi được cấp cứu, khoảng 10 phút, bệnh nhi đã có nhịp tim trở lại.
Trước tình trạng của bệnh nhi quá nặng, BV Bắc Thăng Long đã nhanh chóng chuyển lên BV Nhi TƯ để cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ BV Nhi TƯ nhanh chóng cấp cứu, hỗ trợ bóp bóng qua nội khí quản, sử dụng thuốc trợ tim. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp X-quang, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị suy đa tạng như phù não, thận bắt đầu suy.
Đến 16h45, bệnh nhi ngừng tim trở lại. BV cấp cứu ngừng tim nhưng tim không đập lại. Đến 19h10 cùng ngày, gia đình đưa thi thể bé về quê mai táng.
Bác sĩ Tâm - Viện Nhi TW khuyến cáo phụ huynh luôn phải để mắt đến trẻ bởi các em rất hiếu động. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phải xây dựng không gian an toàn cho bé, ví như không để các vật nhỏ, các vật liệu thiết bị nguy hiểm gần tầm tay của trẻ. Khi xảy ra tai nạn thương tích, phụ huynh cần phải nhanh chóng sơ cứu cho trẻ bởi có những tai nạn có điểm vàng trong sơ cứu. Ví như trường hợp của bệnh nhi T., khoảng thời gian vàng là 3 phút. Vì vậy, bác sĩ Tâm đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo nên đưa chương trình cấp cứu cơ bản vào các đơn vị học đường hoặc trường mầm non.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu