Ngày 22/3, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi ở nhà dùng cồn để đốt gây bỏng mặt.
Hiện, tình trạng bệnh nhi ổn định, bé được chuyển đến khoa Ngoại và Chuyên khoa để tiếp tục điều trị.
Gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt như uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, ngậm que diêm, nuốt mẩu bút chì, đặc biệt nghịch cồn gây bỏng. Một số trẻ xem video hướng dẫn trên mạng rồi tự mua cồn về đốt thử bằng bật lửa, dẫn đến bỏng toàn bộ vùng tay và mặt, như em bé này.
Bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu, Khoa Ngoại và Chuyên khoa, cho biết tai nạn thương tích có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Riêng với trẻ nhỏ, các tai nạn thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước và có thể gây ra những thương tổn thực thể rất nghiêm trọng trên cơ thể.
Trường hợp bỏng diện tích lớn và sâu, trên 10% diện tích cơ thể, có thể dẫn đến sốc bỏng. Người bệnh có khả năng suy sụp đột ngột toàn bộ chức năng của cơ thể do chấn thương bỏng. Ngoài ra, diện tích bỏng càng rộng, độ sâu càng lớn thì tỷ lệ sốc càng cao và mức độ càng nặng.
Tình trạng sốc nếu không được kiểm soát, nguy cơ tử vong cho người bệnh rất cao. Đặc biệt, các trường hợp bỏng rộng cần đi cấp cứu ngay, không tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian, gây biến chứng nguy hiểm.
Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước.
Nên làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã. Các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn...
Khi không may xảy ra tai nạn, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương.