Cách đây 22 năm, tôi là một cô gái nhu mì đa sầu đa cảm, sống nương nhờ anh chị ruột, bởi vì tôi mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ. Ngược lại anh ấy có tính cách mạnh mẽ, biết lo toan và sống hoàn toàn tự lập.
Lúc đó tôi cảm thấy anh có thể trở thành bờ vai để cho tôi nương tựa. Tôi không muốn làm gánh nặng thêm cho anh chị mình nữa nên tôi đã quyết định kết hôn. Không ngờ đó là quyết định sai lầm khiến tôi trả giá cả cuộc đời. Sau khi cưới, anh ấy biến thành một người khác hẳn.
Anh ấy trở nên ích kỉ, hẹp hòi, tình yêu mà anh ấy dành cho tôi trước kia giờ biến thành thói ghen tuông bệnh hoạn. Anh ấy cấm đoán mọi mối quan hệ của tôi. Giao lưu bạn bè đồng nghiệp: không. Giao lưu bạn học cũ: tuyệt đối không. Giao lưu anh em họ hàng: cũng không nốt. Sống trong thời buổi thông tin, chiếc điện thoại di động bây giờ là phương tiện thông tin liên lạc thuận tiện nhất, thế nhưng tôi, một người làm trong ngành viễn thông, lại không được phép dùng.
Nếu dùng anh ấy sẽ đập nát. Ngay chiếc điện thoại bàn vô tội cũng gây cho tôi không ít sóng gió. Anh luôn gọi điện kiểm tra tôi, chỉ cần tôi không nghe máy dù bất kì lí do gì, về nhà thể nào cũng có chuyện. Có lần tôi cùng anh đưa con gái nhỏ đi chơi, khi về bỗng dưng thấy anh phi xe vèo vèo làm tôi thấy sợ, về đến nhà với nét mặt hầm hầm như sắp ăn thịt người. Anh ấy hỏi: “Thằng nào mặc áo trắng ngồi ở góc bàn bên kia mà cứ nhìn sang phía cô?”. Tôi vô cùng bực mình vì trong quán toàn người ngồi ăn tôi không hề quen biết ai.
Hàng ngày về đến nhà bao giờ anh ấy cũng để ý soi mói, nếu thấy ấm chén có pha chè thì lập tức tra hỏi xem có ai đến nhà, nên nếu tôi ở nhà một mình muốn uống nước chè thì uống xong đem rửa ấm chén sạch sẽ ngay. Nếu không chiến tranh lại xảy ra. Nhiều lúc tôi đã thuyết phục, đấu tranh rất nhiều, thậm chí van xin anh hãy cho tôi được sống bình thường như mọi người bình thường, nhưng vô ích. Một năm tôi được về thăm anh chị một lần vào dịp Tết. Ăn cơm xong lại hộc tốc quay về.
Có lần chị gái tôi tổ chức cưới cho con, chị muốn tôi về sớm một ngày để giúp chị một số việc. Tôi cũng muốn về sớm giúp chị, nhưng anh ấy kiên quyết không đồng ý và cho rằng tôi kiếm cớ đi từ hôm trước để gặp gỡ thằng nọ thằng kia. Chiến tranh lại nổ ra.
Thấy tôi vẫn kiên quyết đi, anh ấy đã dùng mọi ngôn từ thô bỉ để xúc phạm tôi, quyết không cho phép tôi ra khỏi nhà và còn dọa sẽ đánh cho thâm tím mặt mày. Biết tính chồng sẽ làm thật, tôi quá uất ức nhưng đành chịu, chẳng lẽ lại về ăn cưới với bộ mặt không vui.
Đối với anh ấy, tôi chỉ được phép đến cơ quan làm việc hết giờ về nhà lo việc nhà và làm vườn. Tôi cứ về đến nhà là trở thành bà nông dân thực thụ (nhà tôi có khu vườn trồng cây ăn quả khá rộng). Sở dĩ tôi vẫn được đi làm là vì lương tôi còn nhiều hơn lương anh ấy, có lúc vài tháng anh ấy không đưa cho tôi đồng nào để nuôi con, mặc cho tôi xoay xở tằn tiện.
Những điều tôi kể ra đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong 22 năm chung sống với anh ấy. Nhiều người hỏi rằng tại sao tôi lại phải chịu đựng như vậy? Tôi cũng đã nhiều lần vùng ra nhưng không nổi. Với cuộc sống dài hơn 20 năm ấy, tôi cũng đã dùng đủ mọi cách mong thay đổi tình hình: nhẹ nhàng, thủ thỉ to nhỏ, phân tích điều hay lẽ phải, rồi van xin anh hãy vì gia đình, vì con cái mà đừng gây sóng gió.
Tôi đã thẳng thắn hỏi anh ấy vậy anh cho rằng tôi là một người vợ trăng hoa ư? Anh ấy bảo không phải thế. Vậy anh nghĩ tôi ngoại tình ư?. Anh ấy bảo nếu cô ngoại tình thì tôi đã giết chết cô từ lâu rồi.
Tôi biết anh ấy hiểu rõ về tôi, nhưng không hiểu tại sao máu ghen tuông cứ luôn sục sôi và anh tìm cách hành hạ tôi đến nghẹt thở. Anh ấy ghen như vậy, nhưng lại là kẻ chơi bời có hạng. Vì chơi bời nên từng mắc bệnh. Khi chữa bệnh xong, tôi lại tha thứ cho anh. Những tưởng sau đó cuộc sống sẽ êm đềm, nhưng tôi đã lầm. Mọi chuyện lại trở về trạng thái ban đầu vẫn những vụ ghen tuông vô cớ, những trận cãi nhau, đánh nhau. Đã nhiều lần tôi viết đơn li dị, nhưng anh không bao giờ chịu kí mà còn xé đơn.
Tôi cũng đã đưa đơn đến cơ quan xin xác nhận để gửi tòa án nhưng lại được công đoàn cơ quan hòa giải, rồi mỗi lần như vậy anh ấy lại van xin tha thứ và nghĩ đến hai đứa con, tim tôi như thắt lại.
Bây giờ tôi thật sự thấy sợ và cảm thấy không còn lối thoát. Trái tim tôi giờ đã chết, tình yêu của tôi dành cho chồng cũng hết. Liệu còn ai phải rơi vào hoàn cảnh như tôi không?.
Hoàng Lê (Bắc Ninh)