Bé gái Việt phá vỡ định kiến nhờ... bóng bầu dục

Tham gia chương trình là trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 16 với 59% là nữ
Tham gia chương trình là trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 16 với 59% là nữ
(PLVN) - Trước đây, Oanh - một bé gái 13 tuổi sống ở một xã nghèo của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cũng như nhiều bé gái khác nơi đây rất nhút nhát, ngại ngùng và thiếu tự tin khi giao tiếp. Em không bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ trở thành một cô gái chơi bóng và thậm chí trở thành người chạy nhanh nhất đội.

Lấy lại sự tự tin, mạnh mẽ

Ấy vậy mà mọi việc bây giờ đã khác. Tham gia vào chương trình Pass It Back (chương trình thể thao vì sự phát triển do Liên minh ChildFund gồm 11 tổ chức đang hỗ trợ cho hơn 13 triệu trẻ em và gia đình tại hơn 60 quốc gia trên thế giới), Oanh cho biết: “Em cảm thấy tự tin và tự hào về chính bản thân mình và đồng đội. Trước khi tham gia vào Pass It Back, em chưa từng chơi bất kỳ một môn thể thao nào. Chơi bóng bầu dục giúp em nhận ra mình có khả năng đặc biệt về chạy! Em luôn là người chạy nhanh nhất”. 

Oanh và đồng đội đã được tham gia giải thi đấu Pass It Back tổ chức tại Lào. Đây cũng là lần đầu tiên Oanh được ra khỏi địa phương nơi mình sống. Chị Hà, huấn luyện viên Pass It Back của Oanh là người đã chứng kiến được những thay đổi rõ rệt về sự tự tin và kỹ năng giao tiếp của Oanh.

“Trước khi tham gia vào Pass It Back, Oanh thường hay ngại ngùng và thiếu tự tin. Tôi tin rằng các hoạt động tập huấn theo chương trình đào tạo của Pass It Back đã góp phần giúp Oanh thay đổi. Em ấy đã trưởng thành hơn rất nhiều từ khi tham gia vào dự án”, chị Hà nói.

Cùng hoàn  cảnh, Thân, 15 tuổi mất bố mẹ từ nhỏ. Thân rất nhút nhát và thiếu tự tin, nhưng em đã được Phượng - chị họ của Thân là một huấn luyện viên của chương trình Pass It Back động viên tham gia chương trình này.

Thân (bên trái) đang khởi động cùng đồng đội trước trận thi đấu
Thân (bên trái) đang khởi động cùng đồng đội trước trận thi đấu

Bản thân Phượng tham gia vào bóng bầu dục từ năm 2015, bắt đầu làm cầu thủ rồi làm trợ lý và bây giờ là huấn luyện viên của Pass It Back. Giống như Phượng, giờ đây Thân đã cảm thấy tự tin hơn, mạnh mẽ và hòa đồng với các bạn, có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai.

Cô bé còn cùng đồng đội đoạt chức vô địch Giải thi đấu Bóng bầu dục Pass It Back năm 2017: “Đến bây giờ em vẫn chưa quên được giây phút giành chiến thắng cùng đồng đội. Giờ đây em đã hiểu em có thể gặt hái được thành công trong cuộc sống. Điều em cần làm là nỗ lực hết sức mình”, Thân tâm sự.

Phá vỡ định kiến “môn thể thao chỉ dành cho nam giới” 

“ChildFund Pass It Back” do ChildFund phát triển cùng với các đối tác bao gồm Liên đoàn Bóng bầu dục Thế giới, Liên đoàn Bóng bầu dục châu Á và tổ chức Women Win nhằm mang đến chương trình giảng dạy lồng ghép môn bóng bầu dục và kĩ năng sống tới trẻ em và thanh thiếu niên tại các cộng đồng chịu thiệt thòi trên khắp châu Á.

Tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Quốc gia của ChildFund Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian triển khai chương trình tại Việt Nam từ năm 2015, hàng năm ChildFund Pass It Back có hơn 3.200 trẻ em và thanh thiếu niên tại Hòa Bình tham gia chương trình.

Điều đặc biệt nữa của Chương trình là sự tập trung vào vấn đề Giới. Hơn một nửa số vận động viên và huấn luyện viên tham gia “ChildFund Pass It Back” là nữ.

Ông Nigel Spence, Giám đốc Điều hành của ChildFund Australia cho biết: “Những kiến thức, kỹ năng và cách ứng xử mà các em có thể xây dựng được cho bản thân thông qua chương trình này sẽ giúp cho các em, đặc biệt là những trẻ em gái có cơ hội giải quyết được những thách thức, xây dựng cho các em sự tự tin để có thể trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi”.

Chính vì thế, việc ChildFund giới thiệu một môn thể thao ít được biết đến như môn bóng bầu dục tại các cộng đồng ở Việt Nam thực sự đã khuyến khích nữ giới tham gia để phá vỡ định kiến  “môn thể thao chỉ dành cho nam giới”.

Không chỉ có thể thao, mỗi năm chương trình “ChildFund Pass It Back” còn tổ chức hơn 8.400 giờ học, trong đó có hơn 2.100 bài học về kỹ năng sống liên quan đến các vấn đề về Giới, Lập kế hoạch, Sức khỏe sinh sản, Phòng chống bạo lực”.  

Theo tổng kết của “ChildFund Pass It Back”, sau mùa giải năm 2017 tập trung vào vấn đề Giới, tỷ lệ tham gia chương trình giữa nam và nữ là: 50-50 (589 vận động viên nữ và 585 vận động viên nam); hơn 80% vận động viên nam tham gia khảo sát đồng ý rằng tất cả mọi người đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng như nhau bất kể giới tính, tăng 12% so với kết quả khảo sát trước mùa giải; các vận động viên nữ nhận ra mình sở hữu năng lực và thế mạnh để giải quyết các vấn đề cá nhân cũng như các vấn đề mà họ cảm thấy quan trọng. 60% số vận động viên nữ tham gia khảo sát không đồng tình với ý kiến “Khi tôi gặp phải một vấn đề, cách tốt nhất là chờ người khác tìm ra cách giải quyết”...

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.