Theo lời kể của gia đình, trong lúc bố mẹ không để ý, bé gái đã cạo đầu đỏ của các que diêm sau đó cho vào cối giã. Trong lúc thực hiện thì các đầu đốt bỗng bùng cháy mạnh, phóng thẳng vào mặt trẻ.
Sau tai nạn, mắt trẻ đau nhức, khó mở, xuất hiện nhiều vết bỏng loét vùng da mặt và bàn tay phải. Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu vào viện điều trị.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành khám phát hiện hai mắt bị bỏng kết - giác mạc do nhiệt kèm nhiều dị vật giác mạc. Bệnh nhi đã được các bác sĩ điều trị tích cực, kết hợp lấy dị vật giác mạc dưới máy sinh hiển vi. Sau 8 ngày điều trị giác mạc biểu mô hoá hoàn toàn, thị lực phục hồi tốt. Vùng da mặt và tay bị bỏng đã phục hồi dần.
Các bác sĩ khoa Mắt bệnh viện cho biết, các năm qua đơn vị đều tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương do pháo nói chung hoặc các vật dụng liên quan đến pháo nổ tự chế nói riêng. Pháo phát nổ có thể gây rách da, tổn thương phần mềm, nghiêm trọng hơn là gãy xương tay, chân, chấn thương sọ não, ngực, bụng... Đáng nói, pháo tự chế rất độc hại cho hệ hô hấp do chứa nhiều bụi kim loại dẫn đến nguy cơ nhiễm khói hóa chất, thời gian phơi nhiễm khói hóa chất này nếu dưới 3 phút sẽ ảnh hưởng nhẹ đến cơ thể. Trên 3 phút, hệ hô hấp bắt đầu bị ảnh hưởng, đặc biệt với người có tiền sử bệnh hô hấp, hen suyễn. Bụi khói của pháo còn ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, làm chảy nước mắt hoặc loét giác mạc, gây hại lên mô cơ… Ngoài ra, nếu dị vật chui vào trong mắt sẽ gây nhiễm trùng, hủy hoại các mô mắt, đau đớn kéo dài.
Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, do đó bệnh viện khuyến cáo các gia đình có con nhỏ thường xuyên nhắc nhở và quản lý các trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc liên quan đến pháo nổ có thể xảy ra.