Ngay từ khi khởi công, dự án này đã dính sai phạm khi thi công cả vào đất rừng. Sau đó, khánh thành chưa lâu thì đường đã hư hỏng sụt lún. Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2018 về dự án này, đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của chủ đầu tư dự án, nhà thầu, các đơn vị liên quan… gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền nhiều tỷ. Thế nhưng các đơn vị cá nhân sai phạm vẫn chưa bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
Đấu thầu, thiết kế, xây dựng, tính toán vô nguyên tắc
Kết luận của KTNN cho thấy công tác lập thẩm định, phê duyệt dự án thiếu chặt chẽ khiến phải điều chỉnh phê duyệt các tiểu dự án 1, đồng thời phải khảo sát, thiết kế thêm đoạn tuyến làm phát sinh 4,4 tỷ. Bên cạnh đó, thiếu nội dung khảo sát về kinh tế, chưa xác định được lưu lượng xe thiết kế, nhu cầu vận tải nên chưa đánh giá tính khả thi của dự án cũng như lựa chọn cấp đường thiết kế…
Công tác lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo tính cạnh tranh về công nghệ. Nhà thầu dự thầu chưa đảm bảo kinh nghiệm chung về thi công xây dựng nhưng vẫn được tổ chuyên gia chấm trúng thầu. Công tác ký kết hợp đồng, các gói thầu xây lắp tại tiểu dự án 2 chậm tiến độ, phải gia hạn nhiều lần nhưng chủ đầu tư không làm rõ nguyên nhân để xác định trách nhiệm, xử lý.
Việc gia hạn hợp đồng thi công chỉ căn cứ vào biên bản làm việc giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công với “nguyên nhân khách quan do mưa liên tục kéo dài ba tháng” là chưa phù hợp.
Hạng mục đường đầu cầu và đường tạm các cầu Đăk Phai, Lệ Ngọc, Nước Đoan, việc thanh toán khối lượng không căn cứ vào tỉ lệ đất, đá thực tế mà ước tính chung chung (40% đào đá, 60% đào đất) là chưa tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng. Số tiền được kiểm toán từ hơn 817 tỷ đồng xuống 771 tỷ, giảm gần 47 tỷ. Nguyên nhân do sai khối lượng, đơn giá…
Xử lý những sai phạm trên, với Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng (ĐTXD) huyện Kon Plông (tiểu dự án 1), KTNN kiến nghị thu hồi ngân sách 477 triệu; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án ĐTXD cơ bản. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của đơn vị thiết kế, thẩm tra trong việc thiết kế khổ cầu rộng 5m, vượt so với quy định.
Với BQLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Kon Tum (tiểu dự án 2), KTNN kiến nghị thu hồi nộp ngân sách gần 46 tỷ; tổ chức thu hồi gần 760 triệu đồng với gói thầu lập phương án, dự toán chi phí đo đạc bản đồ địa chính, cắm cọc giải phóng mặt bằng.
KTNN cũng đề nghị Sở GTVT Kon Tum làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể trong việc chậm tiến độ hoàn thành công trình tại các gói thầu xây lắp dù đã được bố trí đủ vốn đầu tư xây dựng. Đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc nghiệm thu thanh toán sai cấp đất, đá cho hạng mục đào phá đá nổ mìn dẫn đến phải thu hồi 5,6 tỷ.
Với UBND Kon Tum, KTNN kiến nghị chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan; chỉ đạo Sở GTVT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân Giám đốc BQLDA1 (nay là BQL ĐTXD công trình giao thông Kon Tum), tập thể, cá nhân khác…
Tiền chưa khắc phục, người sai phạm chưa bị kỷ luật
Để làm rõ việc Kon Tum đã kỷ luật, xử lý trách nhiệm với các cá nhân, tập thể mắc sai phạm tại dự án trên hay chưa, PV đã liên hệ làm việc với Sở GTVT Kon Tum.
Theo ông Đặng Minh Sáng, Chánh Văn phòng Sở cho biết: Với số tiền 5,6 tỷ phải thu hồi do việc nghiệm thu thanh toán sai cấp đất, đá cho hạng mục đào phá đá, nổ mìn; hiện Sở đã thu hồi được 1,8 tỷ. Số tiền còn lại nhà thầu xin nộp theo lộ trình như sau: Tháng 12/2019 sẽ nộp đủ 50% trong tổng số tiền 5,6; đến tháng 6/2020 sẽ nộp nốt. Nguyên nhân của việc thu hồi chậm số tiền vi phạm trên được Sở GTVT đưa ra là “do nhà thầu kêu đang gặp khó khăn về tài chính”.
Với ông Nguyễn Trọng Thọ, nguyên Giám đốc BQLDA1, vẫn chưa phải chịu hình thức kỷ luật nào, “do ông Thọ đang ốm đau nên chưa thể xem xét kỷ luật theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật công chức”. Được biết, hiện ông Thọ đang giữ chức Trưởng phòng hạ tầng của Sở GTVT.
Khi được hỏi ngoài ông Thọ, còn các tập thể, cá nhân nào bị đề nghị kỷ luật, xử lý trách nhiệm; ông Sáng không cung cấp mà cho biết “chỉ nghe “sếp” nói lại nội dung như vậy chứ tôi không phải là người có quyền phát ngôn của Sở”.
Về số tiền 46 tỷ đồng KTNN đề nghị thu hồi nộp NSNN, ông Sáng cho biết UBND tỉnh giao BQLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh có trách nhiệm thu hồi. Cũng theo ông Sáng, BQLDA ĐTXD công trình giao thông trực thuộc UBND tỉnh, không phải đơn vị trực thuộc Sở nên việc thu hồi này Sở không nắm được.
PV sau đó đã chủ động đặt lịch làm việc với BQLDA ĐTXD các công trình giao thông Kon Tum (thôn 4, xã Đăk Cấm, TP Kon Tum). Tuy nhiên, ông Đạt, Chánh Văn phòng BQL cho rằng hiện Giám đốc đang đi tập huấn nên đề nghị để lại nội dung làm việc.
Sau nhiều ngày không nhận được thông báo lịch làm việc, chủ động liên hệ qua điện thoại với ông Đạt thì được cho rằng: “Lãnh đạo Ban trả lời rằng nội dung yêu cầu cung cấp thông tin của PV không thuộc thẩm quyền trả lời của BQL, đề nghị quay về Sở GTVT tỉnh vì Sở GTVT mới là chủ đầu tư của dự án”.
Với việc Sở GTVT và BQLDA ĐTXD tỉnh “đá bóng” trách nhiệm như trên, dư luận có quyền nghi vấn: Phải chăng hai cơ quan trên đang cố tình né tránh trả lời những vấn đề liên quan đến sai phạm và khắc phục sai phạm?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.