Theo dự thảo công bố trên Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội, quy định này cụ thể chi tiết Nghị định 69/2021/NĐ-CP, với dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư do Nhà nước thực hiện, hệ số bồi thường (hệ số K) là 1. Nếu căn hộ mới có diện tích lớn hơn căn cũ, chủ sở hữu phải trả tiền cho phần chênh lệch. Tiền được tính theo mét vuông, mức giá bằng giá thành xây dựng.
Nhà nước chỉ cải tạo chung cư bằng ngân sách trong trường hợp chung cư đó thuộc sở hữu Nhà nước và thuộc diện phá dỡ (do sự cố cháy nổ, thiên tai; do hết niên hạn); không lựa chọn được nhà đầu tư dự án.
Theo dự thảo, trường hợp dự án xây dựng lại chung cư được thực hiện bằng xã hội hóa, hệ số K không được vượt quá 2 lần diện tích sử dụng hợp pháp (căn hộ 25m2, khi xây lại được bồi thường tối đa 50m2). Căn hộ mới được đền bù không nhỏ hơn 25m2, đảm bảo tỷ lệ căn có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư.
Nếu chủ sở hữu từ chối mua phần diện tích lớn hơn số được bồi thường sẽ không được tái định cư tại chỗ và diện tích bồi thường sẽ được trả bằng tiền. Nếu căn hộ mới nhỏ hơn căn cũ, chủ đầu tư phải thanh toán cho chủ sở hữu giá trị chênh lệch.
Theo dự thảo, phần diện tích còn lại sau khi bố trí cho các chủ sở hữu tầng 1 của nhà chung cư cũ, chủ đầu tư được kinh doanh thương mại để bù đắp kinh phí đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập.
Chính sách cải tạo chung cư cũ của TP Hà Nội được thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay mới có gần 19 dự án được hoàn thành, 14 dự án đang triển khai.
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu chung cư có nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và sáu khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.