“Úp sọt” kế hoạch chuyển đổi?
Theo tìm hiểu, năm 2010, ông Nguyễn Hùng Phóng (trú tại thôn Liên Thành, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân) được UBND xã Luận Thành ký hợp đồng giao thầu để thực hiện việc đầu tư, quản lý, bảo vệ chợ Khe Hạ.
Trước khi giao thầu, khu chợ Khe Hạ vốn là một ngôi nhà cũ của ngành ngân hàng để hoang, mặt bằng lồi lõm. Sau khi được xã giao thầu, ông Phóng cùng một số cá nhân khác chạy vạy khắp nơi để vay vốn đầu tư, san ủi mặt bằng, xây dựng các ki ốt để mời tiểu thương vào chợ hoạt động với tổng số tiền đầu tư lên tới 550 triệu đồng.
Ngoài bỏ tiền đầu tư, hàng năm ông Phóng cũng thanh toán đầy đủ tiền thầu chợ cho ngân sách theo đúng hợp đồng hai bên đã ký kết. Đang quản lý ổn định, bỗng dưng ngày 15/10 vừa qua UBND xã Luận Thành ra thông báo sẽ không cho gia hạn mà chấm dứt vai trò Ban Quản lý (BQL) chợ Khe Hạ đối với ông Phóng để lấy mặt bằng giao cho DN Kiên Định-TH quản lý, xây dựng.
Đơn gửi Báo PLVN, ông Phóng cho hay: Sau khi biết thông tin, ông đã có đơn kiến nghị nhiều lần lên UBND huyện Thường Xuân, xã Luận Thành nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng. Ông Phóng cho biết, khi UBND huyện Thường Xuân chuyển đổi chợ Khe Hạ đã không thông báo sớm cho BQL chợ biết chủ trương để có kế hoạch chủ động, không về xã họp, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các tiểu thương.
Chỉ định trước 3 ngày có quy định mới
Theo tài liệu thu thập của phóng viên cho thấy, việc chuyển đổi chợ bắt đầu từ ngày 8/3/2017, khi UBND xã Luận Thành có Tờ trình số 07 đề nghị chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ Khe Hạ. Sau đó không lâu thì được UBND huyện Thường Xuân ký quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi theo đề nghị của UBND xã Luận Thành.
Sau khi phê duyệt phương án chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh chợ Khe Hạ, Ban chuyển đổi chợ (BCĐC) huyện Thường Xuân đã tiến hành tổ chức đấu thầu từ ngày 10/1 đến ngày 20/1/2018 để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng quản lý chợ hạng 3 này.
Theo thông tin được UBND huyện Thường Xuân công bố sau đó thì trong thời hạn 10 ngày thu nhận hồ sơ, BCĐC chỉ nhận được một bộ hồ sơ của DN Kiên Định-TH. Sau khi được BCĐC tổ chức chấm điểm, xét duyệt ngày 16/3/2018, ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã ký Quyết định (QĐ) số 379 chỉ định DN Kiên Định-TH đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác chợ Khe Hạ.
Theo đó, DN Kiên Định-TH có địa chỉ tại thôn Liên Thành, xã Luận Thành, người đại diện là bà Trịnh Thị Hoàn. Theo dư luận địa phương thì bà Hoàn được cho là một trong những cá nhân tham gia vào BQL chợ Khe Hạ cũ và có mối quan hệ thân quen với một vị Phó Chủ tịch UBND xã Luận Thành. Đáng chú ý, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT Thanh Hóa cấp thì DN này mới được thành lập từ ngày 22/2/2017, tức trước thời điểm UBND xã Luận Thành làm tờ trình xin chuyển đổi chợ chỉ vỏn vẹn 16 ngày.
Không chỉ là đơn vị duy nhất được nhận hồ sơ thầu, việc thành lập DN cũng trùng hợp với kế hoạch chuyển đổi chợ Khe Hạ, mà QĐ số 379 ban hành ngày 16/3/2018 do ông Vi Ngọc Tuấn ký chỉ định DN Kiên Định-TH trúng thầu cũng rất bất thường, khi được ban hành chỉ trước 3 ngày QĐ số 08 (ngày 19/3/2018) của UBND tỉnh quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được ban hành và có hiệu lực.
Theo ông Nguyễn Hùng Phóng, Trưởng BQL chợ Khe Hạ, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tiến hành kiểm tra những bất thường trong quá trình chuyển đổi chợ này. Nếu có bằng chứng cho thấy, bên mời thầu thông đồng với đơn vị tham gia đấu thầu hoặc các đơn vị tham gia đấu thầu có sự thông đồng với nhau làm cho cuộc đấu thầu thiếu tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, gây mất ổn định xã hội địa phương thì cần ra quyết định hủy thầu theo đúng quy định.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.
Lúng túng hay không muốn thực hiện quy định mới?
Theo Sở KH&ĐT Thanh Hóa, hiện nay quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện theo QĐ số 08 ban hành ngày 19/3/2018. Tuy nhiên, theo Sở này, trong quá trình thực hiện quy định các huyện, thị xã, TP còn lúng túng trong việc đề xuất các dự án chuyển đổi theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo quy định mới, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án chuyển đổi chợ, BCĐC cấp huyện có trách nhiệm lấy ý kiến đồng thuận của các thương nhân kinh doanh thường xuyên trong chợ. Ý kiến của các thương nhân phải được lập thành danh sách, có ký xác nhận của các thương nhân, của đại diện BQL chợ và BCĐC cấp huyện nơi có chợ.