“Núp bóng” “tận thu đất san lấp”
Theo điều tra, tháng 7/2016, hộ gia đình ông Ngô Minh Trúc và bà Nguyễn Thi Sở được Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh ra quyết định phê duyệt cho phép thực hiện phương án cải tạo, san lấp mặt bằng hạ độ cao để trồng rừng sản xuất có tận thu đất san lấp tại khu vực núi Xà Cạ, thôn Phúc Sơn (thửa đất số 215, tờ bản đồ số 36, xã Vạn Ninh). Việc cải tạo, san lấp mặt bằng hạ độ cao này được ông Trúc, bà Sở hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và xây dựng Trường Đạt (địa chỉ tại thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh).
Được cấp phép, Trường Đạt đã nộp thuế với đất san lấp (giá rẻ) và phối hợp hộ gia đình ông Trúc nhanh chóng triển khai cải tạo đất, huy động nhiều xe tải, máy múc cỡ lớn ồ ạt lên vùng núi Xà Cạ. Nhưng theo một số người dân địa phương, cái được gọi là “cải tạo, san lấp mặt bằng có tận thu đất” đó thực chất chỉ là “vỏ bọc”. “Đất vùng đồi núi này chủ yếu là diệp thạch sét, họ núp bóng đó để khai thác loại nguyên liệu phụ gia này để bán cho doanh nghiệp khác với giá cao, trốn thuế Nhà nước mà thôi”, một người dân địa phương phản ánh.
Ngày 2/11/2018, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh lại có thêm Văn bản 1532/QĐ-UBND quyết định cho gia hạn thời gian thực hiện phương án cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp kết hợp khai thác đất san lấp cho gia đình ông Trúc và Trường Đạt. Đường dây có dấu hiệu khai thác trái phép diệp thạch sét chở đi bán cho doanh nghiệp khác này vẫn tiếp tục diễn ra ồ ạt dưới vỏ bọc tận thu đất san lấp.
Cử tri địa phương tiếp tục có những tố cáo rằng việc hộ gia đình ông Trúc, bà Sở và Trường Đạt không thực hiện khai thác đất san lấp mà khai thác diệp thạch sét trái phép để bán ra ngoài là vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết với chính quyền: “Chẳng ai dùng đất đó để san lấp cả. Vì vùng đồi Xà Cạ không có đất san lấp mà chỉ có diệp thạch sét, Trường Đạt khai thác để bán với giá cao gấp nhiều lần đất san lấp”.
Nhận được ý kiến của cử tri, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh đã lập đoàn kiểm tra và kết luận phản ánh của người dân là đúng. Đến ngày 8/11/2018, Ủy ban nhân dân huyện đã ra thông báo tạm dừng cải tạo, san lấp mặt bằng hạ độ cao và khai thác đất tại đây với hộ ông Trúc, bà Sở và Trường Đạt.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT): “Nếu họ được lợi thì cũng tốt”
Phóng viên đã có mặt tại hiện trường xảy ra tình trạng khai thác trái phép diệp thạch sét ở vùng đồi Xà Cạ thuộc thôn Phúc Sơn, chứng kiến hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn vẫn ùn ùn nối đuôi nhau vào vận chuyển khoáng sản bất chấp lệnh cấm của Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh. Phía trên những quả đồi luôn thường trực ít nhất một máy tách, đập đá và một máy múc gầm rú làm việc. Cả tuyến đường từ nơi diệp thạch sét bị trộm nối ra ngoài gần Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh, đi qua 2 thôn Phúc Sơn và Áng Sơn, bụi phủ cả một vùng rộng lớn lan ra hai bên đường.
Cảnh tượng tại khu vực khai thác trái phép diệp thạch sét “núp bóng” “cải tạo đất”. |
Ông Đoàn Kim Xuyên, Trưởng thôn Áng Sơn, cho biết: “Tui là đại biểu Hội đồng nhân dân mà việc quản lý hay cấm khai thác đất trên địa bàn đều không được biết. Suốt thời gian dài qua, xe trọng tải lớn ra vô múc trộm khoáng sản cả ngày lẫn đêm, xóm làng bụi bặm, bà con ai nấy kêu trời”.
Điều khó hiểu là trong quá trình ghi nhận tình hình, chúng tôi đã thông tin cho phía Ủy ban nhân dân xã Vạn Ninh và Phòng TN&MT huyện Quảng Ninh nhưng không có một ai đến kiểm tra tình hình. Hoạt động khai thác diệp thạch sét trái phép tại đây vẫn diễn ra ngang nhiên.
Phản ánh tình trạng ghi nhận được về nạn khai thác trộm diệp thạch sét với ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng phòng TN&MT huyện Quảng Ninh, chúng tôi được ông Giai cung cấp các giấy tờ quyết định cấp phép, gia hạn… liên quan đến việc cải tạo có tận thu đất san lấp của Trường Đạt.
Tuy nhiên ông Giai lại không đưa ra văn bản chỉ đạo tạm dừng của Ủy ban nhân dân huyện ký ngày 8/11/2018. Nói về việc giấy phép được cấp là tận thu đất san lấp nhưng Trường Đạt lại khai thác trái phép diệp thạch sét, ông Giai nói: “Nếu họ được lợi thì cũng tốt”. Là người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản của cả một huyện, không hiểu vì sao ông Giai lại nói như vậy trước sự việc trộm khoáng sản mà lẽ ra mình phải có nghĩa vụ trách nhiệm phòng chống, ngăn chặn?
Một cử tri đặt ra câu hỏi: Nạn trộm tài nguyên đất của Trường Đạt đã diễn ra trong thời gian rất dài, công khai. Liệu chính quyền địa phương bất lực hay buông lỏng quản lý, hoặc phòng ban chức năng đã dung túng để doanh nghiệp cố tình sai phạm như vậy? Hàng chục nghìn m3 diệp thạch sét đã bị khai thác trái phép, những quả đồi đã bị san phẳng dưới danh nghĩa cải tạo đất nông nghiệp, những khoản thuế lớn đã thất thu, chảy vào túi doanh nghiệp và những đối tượng “bảo kê”.
Ngay trên khu vực đồi Xà Cạ, nơi các đối tượng đang khai thác khoáng sản trái phép, có hệ thống đường điện cao thế 220KV Bắc – Nam mới đưa vào sử dụng năm cuối năm 2018. Cột điện cao thế số 76 nằm ngay trên vùng đất diệp thạch sét bị khai thác trộm, chân cột bị đào sâu xuống, rất dễ có nguy cơ bật gốc, mất an toàn cho tuyến đường điện quốc gia.