Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ từ bỏ đất nước ra đi. Họ ngỡ rằng đất Mỹ sẽ là miền đất hứa để tạo nên hào quang của nghề nghiệp đồng thời cho họ một cuộc sống đầy đủ, an nhàn. Nhưng họ đã lầm. Ý nghĩ sang Mỹ sẽ nhanh chóng nổi tiếng khi xuất hiện trên các băng đĩa của các trung tâm Thúy Nga, Vân Sơn, Asia đã lỗi thời. Nhiều ca sĩ mà chúng tôi gặp đã cho biết chuyện đó chỉ là ảo tưởng. Đổi nghề để kiếm sống Vợ chồng ca sĩ Phương Thảo- Ngọc Lễ, từng là đôi song ca ăn khách trên thị trường ca nhạc trong nước, hiện nay không còn nhiều sô diễn, cả hai dành thời gian đi học thêm về sáng tác âm nhạc và hòa âm phối khí. Phương Thảo tâm sự: “Giờ phải lo học thôi, vì phải hướng đến một nghề khác để sống. Nghề hát trên đất Mỹ không dễ tồn tại”.
Một tiết mục trong chương trình Tình người viễn xứ buồn tẻ, nhạt nhẽo và vắng người xem |
Ca sĩ Điền Thái Toàn của nhóm 1080 sau khi lập gia đình sang Mỹ, đã không thể sống nổi bằng nghề hát phải chuyển sang làm “neo” ở tiểu bang Oklahoma. Tương tự, nghệ sĩ Mai Phương (con gái đạo diễn Đoàn Bá) đi dạy thẩm mỹ; nghệ sĩ Quốc Thảo làm “neo” tại New York; diễn viên kịch Thu Ba (chuyên đóng kịch Trong nhà ngoài phố trên HTV, lúc còn ở VN) mở tiệm uốn tóc. Huy MC (chồng cũ ca sĩ Thu Phương) học kỹ thuật phần mềm vi tính với mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp. Ca sĩ Tiến Dũng – Thanh Toàn cố gắng học thêm nghề kinh doanh địa ốc, đã từ giã nghề hát, chỉ biểu diễn vui chơi trong cộng đồng mỗi khi có sô diễn từ thiện. Ca sĩ Nhất Thiên Bảo hầu như không hoạt động văn nghệ, anh theo học về mỹ thuật và mong muốn quay về VN để tiếp tục nghề hát. Các đạo diễn: Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hùng Lâm, Hồng Phúc... đều phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh.Tiếc nuối Diễn viên kịch nói Hoàng Hiệp, học cùng khóa với các diễn viên Hòa Hiệp, Thanh Phương, Lê Khánh... gặp tôi tâm sự: “Buồn lắm anh ơi, ở đây chẳng làm nghệ thuật chút nào. Quay phim mà đạo diễn biểu muốn đứng đâu thì đứng, muốn diễn sao thì diễn. Họ làm ăn chụp giựt, ngang tàng đến phát ngán”. Hiện nay, ngoài công việc đọc quảng cáo trên đài phát thanh của người Việt để có thu nhập, Hoàng Hiệp tiếp tục học đại học, “ để có tương lai ở xứ người, chứ nghề diễn coi như thua trắng” – Hoàng Hiệp nói. Ca sĩ Châu Tuấn cũng phải rời bỏ Trung tâm Thúy Nga trong nỗi buồn, bởi từ khi ký độc quyền đến nay, anh chỉ được hát tứ ca, tam ca, chưa một lần được đơn ca. Hai ca sĩ chuyển đổi giới tính là Cát Tuyền và Ái Xuân sang Mỹ chỉ nổi đình, nổi đám một vài sô đầu, do khán giả tò mò đi xem, còn lại thời gian sau này phải đi hát chùa để kiếm sống. Có dạo Cát Tuyền đứng ra làm bầu nhưng thua lỗ liên tục. Ái Xuân mới sang được lòng khán giả hơn do chân thành, duyên dáng, nhưng ngặt nỗi cô chỉ hát nhép nên ngày càng khó được mời diễn sô. Con đường nghệ thuật của diễn viên điện ảnh Đơn Dương, sau nhiều vụ thưa kiện phải ra hầu tòa vì lăng nhăng tình ái, coi như chấm hết trên đất Mỹ. Các ca sĩ may mắn còn sống được với nghề nhờ bay sô khi trở thành ca sĩ độc quyền cho các trung tâm lớn, nhưng tiền thù lao không được mấy vì phải chi cho vé máy bay, tiền trả khách sạn, đồng thời phải lót tay cho các chủ trung tâm để giữ được chỗ đứng ngôi sao trên băng đĩa. Điều đọng lại trong ánh mắt của họ mà tôi cảm nhận được là nỗi nhớ quê nhà và sự tiếc nuối.
Lừa lọc nhau Tôi đã lầm khi đưa em sang đây, tựa đề bài hát của nhạc sĩ Lam Phương viết về cuộc tình chia ly giữa ông với người vợ cũ là nghệ sĩ Túy Hồng, phút chốc đã trở thành câu cửa miệng của nhiều nghệ sĩ trước cảnh lừa lọc nhau. Bằng con đường làm hôn thú giả, giá từ 30.000 đến 45.000 USD cho một lần kết hôn, giới nghệ sĩ hải ngoại đang ăn nên làm ra nhờ dịch vụ này, thế nhưng không ít người sau đó lại phải nghêu ngao hát bài hát của nhạc sĩ Lam Phương, vừa chửi đời vừa chửi chính mình. |
Theo Thanh Hiệp
NLĐ