Để chấn chỉnh tình trạng này, từ năm 2017 tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương như TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng rao bán bất động sản (BĐS) trên giấy, buộc các địa phương cắm biển khuyến cáo người dân không mua bán đất nền… Bất chấp những cố gắng trên của chính quyền, việc mua bán BĐS ở nhiều nơi vẫn bát nháo như cái chợ trời.
Xẻ đất nông nghiệp phân lô, xây nhà
Trong vai một nhóm đầu tư đi “săn” đất nền dự án, chúng tôi ghé vào xã Tam Phước (TP Biên Hòa), tìm đến cái tên hấp dẫn “Dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa City” tại ấp Thiên Bình. Gọi vào các số điện thoại của bộ phận bán hàng, chỉ ít phút sau hai nhân viên xuất hiện. Họ giới thiệu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần BĐS An Gia Lập Nghiệp (địa chỉ xã Tam Phước).
Bao bọc quanh khu đất có văn phòng của An Gia Lập Nghiệp là hàng chục pano cỡ lớn đủ hình ảnh một khu đô thị đẹp như mơ, từ đường xá, bệnh viện, trường học… như ở trời Tây. Đưa ra một số tờ rơi, một nhân viên giới thiệu: “Đây là dự án quy mô 50 ha, tổng số 1.100 nền, công ty đã làm xong quy hoạch, giấy phép… Khách thanh toán 95% giá trị lô đất sẽ có sổ đỏ thổ cư”.
Thoát ra những lời tiếp thị đường mật, chúng tôi bước vào “khu đô thị 50hecta”. Một cảnh trí trái ngược bày ra trước mắt. Dự án chỉ vài con đường ngoằn ngoèo như rắn bò, rộng chừng 4,5m, hai xe hơi tránh nhau không được. Nhà cửa hai bên thưa thớt, xập xệ.
Một vị khách đến tìm hiểu dự án đất nông nghiệp tự phân lô tại ấp Thiên Bình, Tam Phước (TP Biên Hòa) |
Đến cuối đường, gặp vài người khách ở TP HCM lên đi mua đất và hai “cò” tự giới thiệu là vợ chồng. Người đàn ông xưng tên Khánh chỉ tay về hướng cuối đường dự án, chào mời: “Dự án này hơn 1.100 nền nhưng giờ chỉ còn sáu lô sổ đỏ chung, rộng 640m2, em để lại giá 1,8 tỷ. Chồng tiền xong em sang sổ liền. Nếu chỉ mua một lô thì sổ đỏ chung”.
Ông Khánh cho biết đây là đất nông nghiệp, nên theo quy định phải từ 500m2 trở lên mới tách thửa được. Tuy không biết khi nào khu vực này chuyển sang đất thổ cư được “vì phải chờ chủ trương của tỉnh”, nhưng nếu muốn xây nhà, ông “sẽ bao luôn và chi phí không quá 10 triệu”.
Khi được hỏi về “dự án khu đô thị 50 ha”, ông Khánh lắc đầu: “Làm gì có. Ở đây khi tụi tui phân lô, làm đường xong, phía Công ty An Gia Lập Nghiệp xin mua lại khoảng 300 lô. Sau đó họ treo pano bán hàng và giới thiệu với khách là dự án của họ”.
Giáp với xã Tam Phước là xã Phước Tân (TP Biên Hòa). Tại đây, tốc độ phân lô đất nông nghiệp cũng nhanh chóng mặt. Nhìn ở ngoài QL51 (hướng Đồng Nai – Vũng Tàu) không thấy bởi hầu hết các dự án đều nằm ở phía trong, nơi có những con đường chạy từ khu dân cư ra quốc lộ.
Đối diện một trường học phổ thông tại ấp Miễu, xen giữa những thửa đất nông nghiệp là những con đường cong vẹo, cán xi măng vội vàng. Hai bên đường, đất đã cắm cọc. Tại đây, chúng tôi được một người tên Tịnh chào với giá sỉ 5,3 triệu đồng/m2, nếu mua đủ diện tích (500m2) sẽ “bao sang tên sổ đỏ”.
Vẻ ngoài hào nhoáng của “Dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa City” tại ấp Thiên Bình, xã Tam Phước (TP Biên Hòa), nhưng sự thật chỉ là đất nông nghiệp tự phân lô |
Đưa chúng tôi về văn phòng giao dịch có tên “Nhà Đất Phước Tân” ở cạnh dự án và tiếp thị bằng một tờ giấy A4 vẽ sơ đồ nền có hơn 80 lô cùng bản photo sổ đỏ “500m2 đất trồng cây lâu năm”, ông Tịnh thông tin: “Đất này hiện là nông nghiệp, nhưng tương lai sẽ được quy hoạch sang đất ở. Công ty không bao chuyển mục đích sang đất ở, giờ muốn xây nhà thì phải bỏ thêm tiền lo địa phương. Hiện đất đã bán gần hết, chỉ còn chưa đầy chục lô”.
Bán đất chỉ tay
Đi dọc QL51 từ ngã tư Vũng Tàu (tỉnh Đồng Nai) xuôi về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh lộ, huyện lộ của Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch… là những “ma trận” quảng cáo dự án BĐS lớn nhỏ treo khắp nơi. Đủ mọi kiểu dự án, tên gọi, giá cả cho từng lô đất. Những khu vực này, giới địa ốc đánh giá là nơi có mật độ “dự án đất nền” rao bán nhiều nhất tỉnh Đồng Nai vì ăn theo sân bay Long Thành.
Đập vào mắt người đi đường là dự án của Alibaba (xã Long Phước, huyện Long Thành). Vừa nằm bề thế ở mặt tiền QL 51, văn phòng của công ty này còn dựng thêm một nhà tiền chế phía trong dự án (mặt tiền hương lộ 12) để tiếp khách, bán hàng.
Trước đây một thời gian, khi đi tác nghiệp, ghé vào đây tìm hiểu, chúng tôi được nhân viên Alibaba phát tờ rơi. Họ nhận là chủ đầu tư dự án Alibaba Long Phước 14 và đây là “vị trí vàng của tam giác kinh tế Đồng Nai – TP HCM - Vũng Tàu” với tổng diện tích hơn 6,4ha, phân thành 468 nền.
Dự án tự phát Long Phước 14 của Alibaba (xã Long Phước, huyện Long Thành) chào bán nền đất nông nghiệp tại khu rừng tràm đầu năm 2018 |
Chỉ tay về hướng… rừng tràm, phía bên kia hương lộ 12, cô nhân viên môi giới tên Vân của Alibaba nói với chúng tôi: “Hiện công ty đang chào bán khu vực này, khoảng nửa tháng nữa bắt đầu làm hạ tầng. Khách trả đủ 95% tiền sẽ có sổ đỏ đất ở”.
Vừa chuyển cho khách hợp đồng mẫu và sơ đồ tự phân lô, tự quy hoạch, cô này vừa thông báo từng mức giá theo vị trí, từ gần 5 triệu đồng/m2 đến hơn 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi hỏi đến cơ sở pháp lý của dự án, cô lặng lẽ bỏ đi. Và, đến cuối năm 2018, khi Alibaba đóng cửa văn phòng giao dịch tại đây, mảnh đất “vị trí vàng tam giác kinh tế” vẫn còn nguyên rừng tràm.
Không chỉ bán đất trên giấy ở Đồng Nai nhiều năm nay, năm 2017 Công ty Alibaba còn mở bán hàng chục hecta ở huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đó là các dự án Tân Thành Center City1 (quy mô 13ha với 860 nền) nằm trên trục đường Hắc Dịch – Tóc Tiên, Tân Thành Center City 5 và Tân Thành Center City 6. Tuy nhiên, sau hơn một năm mở bán, cả ba “dự án” này đến thời điểm hiện tại chưa được cấp phép, vẫn chỉ là những bãi đất trống trồng khoai mì.
Một cán bộ địa chính huyện Long Thành khẳng định, theo những gì ông biết thì tính đến hiện nay, huyện không giao bất kỳ dự án nào cho doanh nghiệp có tên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư. Vậy Alibaba chỉ là đơn vị môi giới đất của người dân đứng tên với tư cách cá nhân? Hợp đồng công ty bán mua đất, địa phương có biết?
Bây giờ, những thửa đất ruộng, vườn rộng lớn vẫn đang bị đóng cọc phân lô hàng ngày tại hai xã Long Phước và Phước Thái (huyện Long Thành). Ở những nơi đất nông nghiệp bị cày nát là những cái tên quen thuộc trong giới BĐS: Vạn An Phát, Alibaba, Long Phát, Kim Phát… với hàng chục, hàng trăm dự án tự phát.
Một dự án của Alibaba tại huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu |
Nếu việc quản lý bị buông lỏng như hiện nay, trong vòng dăm ba năm nữa, khi Sân bay Long Thành được xây dựng và hoạt động, xung quanh nó sẽ là những “đô thị” lậu lụp xụp, nhếch nhác.
Vì sao dù chính quyền địa phương đã chỉ ra vấn đề, nhưng thực tế dự án “lậu” vẫn mọc lên tràn lan như vậy? Mời bạn đọc đón đọc số báo sau.
(Còn tiếp)
Alibaba có bao nhiêu dự án ở Đồng Nai?
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba quảng cáo trên mạng nội bộ về 19 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện Long Thành.
Trong đó dự án Alibaba Long Phước gồm Long Phước 1, Long Phước 14, tổng diện tích 52,7 ha phân thành 3.382 lô đất nền; dự án Alibaba An Phước tại thửa 29, 30 tờ bản đồ số 31, diện tích 13.905m2; dự án Alibaba Phước Bình tổng diện tích 11,7 ha, Công ty Alibaba quảng cáo thành lập ba dự án; dự án Alibaba tại xã Phước Thái tại thửa 71, tờ bản đồ số 55 diện tích 6.164m2.
Diện tích đất nêu trên do Công ty Alibaba ký kết hợp đồng với 11 cá nhân nhận chuyển nhượng 127 thửa đất tổng diện tích 207.178m2. Trong đó phần lớn là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và có một phần đất ở nông thôn. Công ty cổ ốc Alibaba chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với số diện tích nhận chuyển nhượng.