Tại phiên họp sáng 15/5, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2019, kế hoạch năm 2020, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tỏ ra khá bất ngờ với việc Chính phủ trình đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế hôm qua - 14/5 vẫn chưa có thông tin việc điều chỉnh chỉ tiêu này.
Trước phiên họp sáng nay, Chính phủ cũng vẫn thống nhất kiên định thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã được giao, dù thời điểm gần nhất, dự báo của các tổ chức quốc tế, dẫu tăng trưởng ở mức cao nhất trong khu vực, GDP của Việt Nam năm 2020 cũng chỉ tăng 2,7%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn, hiện chưa có gì để đối chiếu, so sánh mà xác định mức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng thế nào là phù hợp. Bà đề nghị cân nhắc kỹ, nên tập trung quyết liệt các biện pháp điều hành trước rồi mới từng bước xem xét, báo cáo Quốc hội việc này, tránh trường hợp tình hình còn tiếp tục thay đổi, sẽ lại phải điều chỉnh chỉ tiêu.
Trình bày báo cáo tại đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, dự kiến điều chỉnh GDP tăng khoảng 4,5%, nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn.
“Chúng ta mới bước qua tháng 5 nửa tháng, đánh giá chưa kỹ. Việc bây giờ phải cố gắng hết sức”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 chắc chắn không đạt được mức 6,8% như kế hoạch đề ra ban đầu. Thu ngân sách, theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội, cũng chắc chắc sẽ giảm, dù quý I vẫn tăng khả quan nhưng chỉ là do có nguồn từ năm 2019 “gối đầu” sang, sang tháng 4 hẳn sẽ thấy thực tế.
Theo bà Ngân, chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội là cụ thể hóa từ nghị quyết của Trung ương. Vì vậy, muốn điều chỉnh thì phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
“Nếu muốn điều chỉnh phải làm quy trình, xin cấp có thẩm quyền, phải xin Trung ương. Mặt khác, thời gian có mấy ngày họp Quốc hội, mà chưa báo cáo, chưa thẩm định, qua mấy tháng cũng chưa có cơ sở”, bà Ngân nêu ý kiến.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đưa ra khá lạc quan dựa trên kết quả phòng, chống dịch khá tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam thì vẫn còn lao đao.
“Thế chúng ta mua bán với ai? Xuất khẩu, nhập khẩu với ai? Du lịch thì vẫn chưa cho người vào”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bây giờ cần nỗ lực cao nhất để hạn chế việc sụt giảm. “Lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là phải tột độ”, bà Ngân nói và lưu ý trong bối cảnh hiện nay, cái gì biến nguy thành cơ được thì phải tận dụng.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề lớn. Chính phủ chưa trình, chưa đề xuất ra mà mới nêu vấn đề cần thiết. Hơn nữa, hiện chưa đánh giá tác động nên chưa có căn cứ, cơ sở trình ra Quốc hội để điều chỉnh tại kỳ họp tháng 5 (kỳ họp 9).
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội cho một số nguyên tắc trong điều hành, nếu có gì biến động gì báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.