Vậy vì sao cơ quan ANĐT Công an tỉnh lại trả lời khác? Vậy có hay không người lạm quyền Bí thư tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, chỉ đạo đưa vụ án vào diện “theo dõi”, có mục đích gì hay không?
Sáng qua (9/7), dự kiến TAND TP Sóc Trăng tuyên án vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng. Hai bị cáo là ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương tỉnh) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7). Thế nhưng vì VKS cung cấp “văn bản mới” chưa có trong hồ sơ vụ án, HĐXX phải quay lại phần xét hỏi, tranh luận và tiếp tục nghị án kéo dài, dự kiến ngày 12/7 sẽ tuyên án.
Xét hỏi, tranh luận lại vì VKS cung cấp “văn bản mới”
Ngay từ sáng sớm, do sức hút từ những ngày xét xử trước, dư luận báo chí phân tích những dấu hiệu oan sai trong vụ án, nên phiên toà đã thu hút rất đông cơ quan thông tấn báo chí, người dân tham dự. Nhiều người dự khán không có chỗ ngồi, phải đứng xem phiên xử. Tại toà, theo quan sát, có mặt Viện trưởng, Viện phó và nhiều kiểm sát viên VKSND TP Sóc Trăng.
Phiên toà bắt đầu khá muộn, khoảng 8h45 Chủ toạ phiên toà thông báo, VKSND TP Sóc Trăng vừa cung cấp một “văn bản mới” cho rằng Cơ quan ANĐT có thẩm quyền điều tra vụ án theo sự phân công của Giám đốc Công an tỉnh, do đó cần quay lại phần xét hỏi để làm rõ nội dung văn bản. Chủ toạ phổ biến các bản photocopy văn bản cho luật sư bào chữa, bị cáo để đọc, nghiên cứu tranh luận.
“Văn bản mới” mà VKS cung cấp là Thông báo số 3559/T-A61-A92 ngày 10/8/2015 của Tổng cục An ninh (TCAN) do Phó Tổng cục trưởng Trần Đăng Yến ký, về ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về giải quyết một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư số 28/2014/TT-BCA.
Thông báo nêu: “Ngày 13/4/2015, TCAN có Báo cáo số 1495/A61-A92 đề xuất Bộ trưởng Trần Đại Quang về việc giải quyết một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư số 28/2014TT-BCA ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân; ngày 19/4/2015, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã bút phê đồng ý các đề xuất của TCAN, cụ thể:
Về việc thực hiện thẩm quyền điều tra của lực lượng ANĐT: “Tiếp tục cho thực hiện quy định tại Điều 5 Thông tư số 59/2011/TT-BCA ngày 25/8/2011 theo hướng ngoài các vụ án được quy định tại Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và Điều 22, Điều 23 Thông tư 28 thì Cơ quan ANĐT còn thụ lý điều tra với các vụ án do lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp giao nhưng cần phải có trao đổi, thống nhất với VKSND cùng cấp”.
VKS cho rằng đây là căn cứ để Cơ quan ANĐT Sóc Trăng thụ lý điều tra là đúng thẩm quyền theo phân công của Giám đốc Công an tỉnh. “VKS đồng ý vì đó là vụ án có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc khối cảnh sát điều tra, nên việc Giám đốc Công an tỉnh và Viện trưởng VKSND tỉnh thống nhất giao Cơ quan ANĐT thụ lý điều tra để đảm bảo tính khách quan”, đại diện VKS nói.
Luật sư bác bỏ quan điểm của VKS
Quan điểm trên bị Luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Cần Thơ) phản biện: “Quá trình xét xử vụ án kéo dài 15 ngày, khi HĐXX nghị án thì VKS mới cung cấp một Thông báo của TCAN. Đối chiếu với quy định về văn bản quy phạm pháp luật thì đây chỉ là truyền đạt của TCAN. Mặt sau của Thông báo ghi trích lục ngày 3/7/2019. Tôi cho rằng văn bản này để đối phó, chữa cháy. Thứ hai, văn bản này của TCAN chứ không phải của Bộ Công an. Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng trường hợp này không thuộc thẩm quyền của Cơ quan ANĐT, nên kết luận điều tra vô hiệu”.
LS Nguyễn Khánh Trang (Đoàn LS tỉnh Sóc Trăng) tranh luận: “Tại thời điểm khởi tố vụ án, Thông tư số 28/2014TT-BCA và Pháp lệnh điều tra hình sự có hiệu lực thi hành, giao thẩm quyền điều tra vụ án tại Điều 281 (là điều luật các bị cáo đang bị truy tố - PV) không thuộc về Cơ quan ANĐT. Luật quy định như thế, không có trường hợp ngoại lệ”.
LS Trang tiếp tục chỉ ra “lỗ hổng”: “Tại phiên toà hôm nay, VKS cho rằng có sự thống nhất với Viện trưởng VKSND tỉnh, nhưng trong hồ sơ không hề có văn bản thống nhất nào với Giám đốc Công an tỉnh. Và theo tôi, nếu có thì việc thống nhất này cũng là trái pháp luật. Do đó đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của VKS”.
Một điểm mâu thuẫn khác, báo cáo của Cơ quan ANĐT với Giám đốc Công an tỉnh rằng vụ án không thuộc quyền của Cơ quan ANĐT nên xin ý kiến được ký vào ngày 29/12/2016. Bút phê của Giám đốc Công an tỉnh cũng ghi ngày 29/12/2016. Vậy cũng cùng trong một ngày đó, Giám đốc Công an tỉnh đã trao đổi và trao đổi bằng văn bản, hay bằng miệng với Viện trưởng VKSND tỉnh như thông tin công tố viên đưa ra?
LS Trần Quang Thắng (Đoàn LS TP Cần Thơ), nói: “Theo Pháp lệnh điều tra hình sự trước đây và sau này là Luật Tổ chức điều tra hình sự, vụ án này không thuộc thẩm quyền của Cơ quan ANĐT”.
Tranh luận với VKS, bị cáo Phương nói: “Lần trước toà trả hồ sơ yêu cầu chứng minh thiệt hại, làm rõ quy định về giải quyết khi có khiếu nại của nhà sản xuất. Nhưng VKS không thực hiện mà chỉ nhắm vào việc chứng minh kiểm nghiệm lần ba là sai. Và bây giờ VKS dùng một văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật để cố buộc tội bị cáo. VKS đang “truy cùng đuổi tận” bị cáo. Mong HĐXX căn cứ vào hồ sơ, căn cứ vào diễn biến phiên toà, tuyên bị cáo không phạm tội”. Bị cáo Thanh cũng cho rằng VKS đang “cố buộc tội, kéo dài vụ án”.
Có hay không người lạm quyền “chỉ đạo”?
Vụ án đã trải qua gần 3 năm điều tra xét xử, vật chứng đã không còn như VKS cho biết trong phiên xét xử, phân bón là thật hay giả chưa thể xác định, chứng cứ buộc tội chưa rõ ràng, có dấu hiệu vụ án hành chính bị hình sự hóa… Vậy phải chăng cơ quan tố tụng Sóc Trăng còn băn khoăn vì vụ án thuộc “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc” như cơ quan ANĐT Công an Sóc Trăng từng cho biết.
Tuy nhiên trả lời PLVN vào chiều qua (9/7), ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh, lại cho biết: “Tôi không nhớ cái này. Hình như là không có. Hình như không phải Ban phòng chống tham nhũng theo dõi đâu. Tôi nhớ như thế”. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu lý giải: “Tôi không nhớ rõ lắm vì tôi mới về có hơn năm mấy nay thôi”.
Tra cứu thông tin trên website Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng (soctrang.gov.vn), có thể thấy Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng có một số hoạt động như sau: “Chiều ngày 15/1/2018, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018… Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Sáu, Trưởng Ban Chỉ đạo; Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy…”.
“Ngày 17/4, đồng chí Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh”.
Một bản tin ngày 10/8/2018 cũng cho biết: “Vừa qua, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh tổ chức cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2018. Đồng chí Phan Văn Sáu, Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh chủ trì cuộc họp”.
Những thông tin trên cho thấy Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh, đã có nhiều hoạt động chỉ đạo sâu sát lĩnh vực này hai năm qua. Và có rất nhiều khả năng thực tế vụ án không thuộc diện theo dõi, đôn đốc của Ban, nên Trưởng ban mới cho biết: Vụ án này “hình như không phải Ban theo dõi”. Vậy vì sao cơ quan ANĐT Công an tỉnh lại trả lời khác? Vậy có hay không người lạm quyền Bí thư tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo, chỉ đạo đưa vụ án vào diện “theo dõi”, có mục đích gì hay không?
“Đốt cháy giai đoạn”, “nhảy cóc” từ hành chính lên hình sự?
Trong phần tranh luận sáng qua, LS Lê Tuấn Khanh (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Cần Thơ) còn đặt vấn đề tại sao không xử lý ông Phương và ông Thanh theo Thông tư 13/2014/TT-BCT ngày 14/5/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của công chức QLTT, mà “đốt cháy giai đoạn”, “nhảy cóc” từ hành chính lên hình sự.
Một LS tại TP HCM nhận định, vụ án ngay từ đầu đã không khách quan. “Tại sao Sở Công Thương lại ôm hồ sơ tố cáo gõ cửa trực chỉ đúng Cơ quan ANĐT? Câu hỏi này chứng minh cho việc không khách quan. Sở Công Thương giải quyết tố cáo, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan đầu tiên họ phải gửi hồ sơ tố cáo là Văn phòng Cảnh sát điều tra. Từ đây, căn cứ vào quy định pháp luật, Văn phòng Cảnh sát điều tra mới chuyển hồ sơ đến các phòng, ban đúng thẩm quyền. Hoặc nếu không nắm rõ gửi hồ sơ về đâu thì Sở Công Thương nên gửi đến Công an tỉnh Sóc Trăng. Do đó vụ án ngay từ đầu đã có dấu hiệu không khách quan”.