Chính quyền thờ ơ với vi phạm
Thời gian gần đây, khá nhiều sai phạm về xây dựng, quy hoạch đã xảy ra trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin trong số báo gần đây về vụ việc người dân địa phương phản ánh gia đình ông Bùi Duy Lộc (thị trấn Gia Ray – Xuân Lộc) ngang nhiên lắp đặt cống, tiến hành san lấp và lấn chiếm sử dụng con suối tự nhiên chảy vào hồ Gia Măng tại khu vực xã Xuân Hiệp. Cùng lúc đó, một loạt các sai phạm về xây dựng như xây nhà không phép, mở nhà hàng kinh doanh trong khuôn viên trường học cũng bị khui ra. Tuy nhiên, dù đơn thư khiếu nại, cầu cứu của người dân liên tục được gửi về UBND huyện Xuân Lộc nhưng vẫn không có bất kỳ biện pháp xử lý nào được đưa ra.
Trước sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã tiến hành tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để tìm hiểu quá trình xử lý vi phạm của ông Lộc, cũng như đặt câu hỏi về một số vấn đề sai phạm đề cập ở trên.
Tuy nhiên, mỗi đơn vị, phòng ban lại có những câu trả lời khác nhau, có xu hướng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Từ ông Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, ông Lê Thế Ngân – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, ông Lê Huy Triển – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.2, bà Huỳnh Thị Diệu – Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc. Trong đó, đặc biệt phải kể đến thái độ của ông Trần Duy Nguyện – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Xuân Lộc. Trong buổi làm việc với phóng viên, thái độ của ông hết sức hờ hững và hoàn toàn không đưa ra một câu trả lời nào đi vào trọng tâm của vấn đề.
Ông Nguyện sinh ngày 29/02/1980, là một Cử nhân Luật học. Với bằng cấp và chức vụ như vậy, thiết nghĩ ông hoàn toàn đủ cơ sở để xem xét và đưa ra những đóng góp tích cực trong việc giải quyết những sai phạm, thiếu sót được phản ánh. Thái độ của ông Nguyện nói riêng và toàn bộ UBND huyện Xuân Lộc nói chung đang khiến người dân không khỏi đặt ra những hoài nghi về độ tin cậy cũng như năng lực lãnh đạo của chính quyền địa phương.
Đáng nói hơn, những vụ việc này còn chưa được giải quyết thì mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam lại tiếp tục nhận được nhiều đơn thư phản ánh của bạn đọc về những thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình thu hồi và đền bù Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông giữa đường Hùng Vương với quốc lộ 1A. Kèm theo đó vẫn là những bức xúc cực độ về việc chính quyền địa phương hoàn toàn làm lơ, vô trách nhiệm.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, anh Nguyễn Thế Hùng (trú tại Số 8 đường Hùng Vương, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) bức xúc khi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết.
Anh Nguyễn Thế Hùng bức xúc khi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết |
Theo nội dung đơn thư phản ánh, vào những năm 1996-1997, trong quá trình thực hiện thi công đoạn đường tránh thị trấn Gia Ray của quốc lộ 1A, có một đoạn đường đã bị sai lệch so với phần bồi thường và giải phóng mặt bằng, chỉ một phần mặt đường là đã được bồi thường. Năm 2017, UBND thị trấn Gia Ray chủ trương thực hiện dự án xây dựng nút giao thông giữa đường Hùng Vương với quốc lộ 1A. Ngày 29/3/2017, tại cuộc họp lấy ý kiến người dân, anh Hùng đã phát biểu về việc sai lệch diện tích bồi thường, kiến nghị tiến hành xác định lại rõ ràng phạm vi và ranh giới đã bồi thường trước đây để tránh thiếu sót, đồng thời xem xét phần diện tích bị hạn chế và ảnh hưởng thuộc hành lang an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật.
Ý kiến của anh Hùng đã được một số lãnh đạo đại diện UBND thị trấn Gia Ray và UBND huyện Xuân Lộc tiếp nhận, cam kết có câu trả lời. Tuy nhiên, đến nay đã hơn hai năm mà anh Hùng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào, đồng thời cũng không có bất cứ cơ quan chức năng nào tiến hành xác định lại mốc giới diện tích đã thu hồi và dự kiến thu hồi.
Ngày 16/01/2018, anh Hùng nhận được Thông báo thu hồi đất số 19/TB-UBND của UBND huyện Xuân Lộc, nội dung: “Thu hồi đất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông giữa đường Hùng Vương với quốc lộ 1A (ngã Ba Bưu điện)”, kèm theo đó là bảng liệt kê diện tích dự kiến thu hồi. Theo đó, chỉ tính đến phần diện tích thu hồi để mở đường mà không tính đến phần bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng dất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ quy định tại Điều 94 của Luật Đất đai. Huyện đã không thực hiện việc cắm mốc để tính toán các phần đất bị hạn chế công năng sử dụng mà chỉ dựa vào kết quả xác định mốc giới cũ.
Điều này đã vi phạm nghiêm trọng Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013. Theo đó:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1. Khoản 3, Khoản 4 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"3. Đối với đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, chủ đầu tư phải xác định giới hạn đất dành cho đường bộ và thực hiện như sau:
Đối với đất của đường bộ, lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đối với đất hành lang an toàn đường bộ: Chủ đầu tư tiến hành cắm mốc giới hạn để bàn giao cho địa phương và cơ quan quản lý đường bộ quản lý theo quy định như đối với hành lang đường bộ đang khai thác. Trường hợp công trình và các tài sản khác nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ thì chủ đầu tư tiến hành xác định mức độ ảnh hưởng, phối hợp cùng cơ quan quản lý đất đai của địa phương lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Đối với đường bộ đang khai thác, cơ quan quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý đất đai của địa phương xác định giới hạn đất dành cho đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ và lập kế hoạch thực hiện các công việc dưới đây:
a) Rà soát, xác định giới hạn phần đất của đường bộ; lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Rà soát, xác định giới hạn phần đất hành lang an toàn đường bộ; tiến hành cắm mốc giới hạn để bàn giao cho địa phương và cơ quan quản lý đường bộ quản lý theo quy hoạch; lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai".
Đồng thời, việc thiếu trách nhiệm khi đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nói trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong việc Nhà nước thu hồi đất căn cứ theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; cũng hoàn toàn đi ngược lại chủ trương của tỉnh Đồng Nai được ban hành trong Quyết định số 54/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai:
Chính quyền cần giải quyết dứt điểm vụ việc
Cảm thấy quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân đã bị vi phạm nghiêm trọng dù đã có kiến nghị từ lâu, ngày 28/01/2019, anh Hùng làm đơn kiến nghị gửi tới UBND huyện Xuân Lộc. Đơn kiến nghị của anh đã được tiếp nhận, sau đó nguyên Chủ tịch huyện Xuân Lộc Hồ Văn Hà có mời anh lên trao đổi về vụ việc (không có văn bản ghi nhận), đồng thời trả lời miệng với anh Hùng là sẽ ý kiến lên cấp tỉnh và nhanh chóng xem xét vụ việc của anh. Tuy nhiên, trong một thời gian dài anh Hùng không nhận được bất cứ câu trả lời nào dù nhỏ nhất.
Bức xúc vì vụ việc của mình bị “chìm xuồng”, anh Hùng tiếp tục gửi đơn kiến nghị lần hai tới UBND huyện Xuân Lộc vào ngày 26/02/2019. Lần này sự việc diễn ra cũng tương tự, khi Chủ tịch huyện Xuân Lộc lúc này, bà Nguyễn Thị Cát Tiên cũng mời anh lên trao đổi miệng, trả lời không khác ông Hà, tức là sẽ “xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh”.
Hiện tại, sau nhiều lần nghe những lời hứa hẹn nhưng chưa bao giờ được thực hiện, anh Hùng đã mất niềm tin vào UBND huyện Xuân Lộc. Hiện tại anh đã làm đơn tố cáo về vụ việc để nhờ sự can thiệp của cơ quan công an.
Thiết nghĩ, là một bộ máy hành chính cấp huyện, UBND huyện Xuân Lộc chưa thực sự vận hành với nhịp độ cần thiết. Với tần suất những vụ việc có chiều hướng tiêu cực xảy ra trên địa bàn trong thời gian gần đây, tốc độ xử lý và hồi đáp cho người dân cần được đẩy nhanh hơn, tránh gây ra tình trạng bất mãn lan rộng. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Cát Tiên là rất lớn. Tuy nhiên, với tình hình địa bàn trong thời gian vừa qua, khó có thể nói bà Tiên đã hoàn thành tốt công tác của mình dưới cương vị đứng đầu, lãnh đạo cao nhất của huyện Xuân Lộc. Không chỉ riêng người dân trên địa bàn mà các cấp, các ngành liên quan đều rất hy vọng bà Tiên có thể thực hiện chức trách của mình trong việc điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động bộ máy nhà nước. Trong vụ việc của anh Nguyễn Thế Hùng, rất mong các ban ngành liên quan sớm đưa ra câu trả lời cũng như động thái giải quyết thỏa đáng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc.