Bắt buộc ô tô kinh doanh vận tải lắp camera: Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

Lắp camera giám sát hành trình trên xe khách.
Lắp camera giám sát hành trình trên xe khách.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có văn bản yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành khẩn trương thực hiện nghiêm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử nghiêm xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera.

Nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định từ ngày 1/7/2021, xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, đầu kéo đều phải lắp camera. Việc này nhằm để thực hiện giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải.

Theo đó, mỗi xe khách phải lắp camera theo dõi ghi hình được các khu vực trên xe như khoang hành khách, vị trí lái xe, vị trí khách lên xuống. Trong quá trình xe hoạt động, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh về trung tâm với tần suất 3-5 phút/lần. Các đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ khi xe chạy cự ly đến 500km, tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km. Cùng với đó, tại cơ quan chức năng, dữ liệu hình ảnh sẽ được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến, xe nhồi nhét khách…

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên Chính phủ từng đồng ý lùi thời gian xử phạt đối với hành vi không lắp camera tới 31/12/2021. Dù vậy, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp vận tải tiếp tục gửi văn bản lên Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị tiếp tục lùi thời gian lắp camera đến cuối năm 2022 nhưng không được chấp thuận.

Cụ thể, vào tháng 10/2021, Bộ GTVT đã có công văn gửi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị của các hiệp hội về việc xin lùi thời hạn xử phạt hành vi vi phạm về chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định. Tại các văn bản gửi đến Chính phủ và Bộ GTVT, các hiệp hội kiến nghị cho lùi thời hạn xử phạt hành vi vi phạm về chưa lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10 đến hết ngày 31/12/2022. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT cho phép những xe thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định 10 khi đến kỳ kiểm định thì phải lắp camera, chậm nhất đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, xe nào chưa lắp camera sẽ bị xử lý.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, tại Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021, Chính phủ đã quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 đối với các cá nhân, tổ chức chưa thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội nghiêm túc thực hiện, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải để đảm bảo lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10.

Tại sao doanh nghiệp vẫn chậm trễ?

Mặc dù thời gian để hoàn thành việc lắp đặt camera theo quy định không còn nhiều nhưng những điểm bất cập của Nghị định 10 cùng các băn khoăn của các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa được giải đáp. Điều đó khiến cho việc thực hiện việc lắp đặt camera theo quy định chưa được thực hiện tốt.

Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách đều băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị do Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể. Trên thị trường hiện tại có vô vàn các loại camera, nhưng doanh nghiệp không biết loại nào có thể đáp ứng được những yêu cầu truyền tải, lưu giữ thông tin theo quy định. Ngoài ra, nhiều người đặt câu hỏi về khả năng lưu trữ giữ liệu camera về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Với một khối lượng dữ liệu khổng lồ cùng một lúc truyền tải về cơ quan quản lý thì liệu đã có nền tảng tốt để có thể lưu trữ, sử dụng được dữ liệu đó để giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Nếu chưa có một nền tảng có thể đáp ứng được yêu cầu thì sẽ gây lãng phí rất lớn cho xã hội.

Ngoài những thắc mắc về quy chuẩn thiết bị thì vấn đề kinh phí lắp đặt camera cũng khiến chủ doanh nghiệp vận tải đau đầu. Suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, doanh thu của các công ty chỉ đạt khoảng 40 - 60% so với các năm trước. Nhiều doanh nghiệp vận tải phải cắt giảm phương tiện hoặc phải dừng hoạt động. Có doanh nghiệp đã phải tính đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản bởi đầu vào quá thấp mà các chi phí đầu ra vẫn phải chi… Cùng với đó, nhiều người cũng bày tỏ băn khoăn về việc ghi hình khách hàng trong suốt quá trình di chuyển thì có vi phạm quyền riêng tư của họ hay không?

Việc lắp đặt camera cho xe khách và xe container là đúng với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải và nâng cao sự an toàn đối với hành khách. Tuy nhiên, cần có sự tính toán kỹ lưỡng, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.