Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ là vấn đề được Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặc biệt quan tâm. Tại Nghị quyết Hội nghị lần này, Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác.
Ban Chấp hành Trung ương cũng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc “mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm”.
Cần có cơ chế kiểm soát đa chiều
Để ngăn ngừa sự lạm quyền trong công tác cán bộ, nhiều ý kiến cho rằng phải thiết lập đồng bộ cơ chế kiểm soát quyền lực cả bên trong và bên ngoài. Đối với bên trong, cơ quan tổ chức cấp trên cần có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên công tác cán bộ thuộc trách nhiệm người đứng đầu. Đối với bên ngoài, cần thiết lập cơ chế để nhân dân, các tổ chức chính trị- xã hội và báo chí giám sát một cách thuận tiện, kịp thời.
Có như thế mới có đủ điều kiện và cơ sở để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên cũng như ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu khi đề bạt, bổ nhiệm các nhân sự vào các vị trí then chốt.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn khi chúng ta có “tầng tầng, lớp lớp” các cơ quan kiểm tra nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa mạnh mẽ, thậm chí còn tiếp tay, bao che cho đối tượng vi phạm. Hiến kế khắc phục tình trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng cần có cơ chế kiểm soát đa chiều: kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát bên trên đối với bên dưới, kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng, đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị...
Ngoài ra, cũng cần kết hợp giữa kiểm soát bằng thể chế với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm. Cùng quan điểm trên, nhưng nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão cũng chỉ ra những hạn chế trong cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng. Theo ông, Điều lệ Đảng chưa quy định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng như thế nào. Vì thế cần đặt vấn đề nghiên cứu, chuẩn bị cho việc sửa đổi Điều lệ Đảng, làm rõ từng cơ quan, cá nhân trong tổ chức Đảng có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào để không ai vượt quyền, hay lạm quyền được.
“Trong các giải pháp mà các Nghị quyết Trung ương đã đưa ra, theo tôi, trước hết chúng ta nên giám sát quyền lực người đứng đầu, phải buộc quyền lực trong “lồng luật pháp”. Thứ hai, qua kiểm tra, giám sát phải chỉ rõ cho bản thân đảng bộ và cơ quan đó biết điều gì ông ấy (người đứng đầu- PV) đúng và điều gì sai để có những hình thức xử lý nếu vi phạm.
Thứ ba, khi các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin thì phải trả lời những thắc mắc của cơ quan báo chí, không thể im lặng một cách khó hiểu”- ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị. Cũng theo ông Túc, kiểm soát quyền lực thông qua giám sát là để những người có chức, quyền thấy rằng quyền càng cao thì trách nhiệm của họ càng lớn và vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Giám sát phải có thực quyền
Trước thực trạng không ít nơi công tác giám sát, đặc biệt là giám sát của nhân dân và cử tri còn yếu và nhiều bất cập, các cơ quan chính quyền chưa tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, một số chuyên gia đã đề nghị phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để nhân dân có thực quyền hơn trong việc giám sát. Tất nhiên, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thường không thích người khác giám sát mình.
Nhưng, nói như ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), nếu không được giám sát, người đứng đầu thường hay “tự tung tự tác”. Cho nên khi đã có chủ trương cũng phải cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật của Nhà nước, cụ thể thành các văn bản hướng dẫn thì việc giám sát quyền lực mới hiệu quả.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn nhiều sai phạm, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, lỗi trước tiên là khâu chỉ đạo kiểm tra, giám sát của các ngành, các cơ quan chuyên môn chưa thật sâu sát nên mới dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Trước thực trạng đó, gần đây Trung ương đã có nhiều đổi mới, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục các kẽ hở trong công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Các cơ quan chức năng, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã vào cuộc một cách quyết liệt và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Và mới đây, tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, cơ quan này đã nhấn mạnh đến quyết tâm chống nạn chạy chức, chạy quyền và cho biết: từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước. Trước đó, phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh lần thứ 16 (khóa X), ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, Bộ Chính trị đã họp bàn và có yêu cầu về chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII năm 2020, trong đó có một chủ đề là Đại hội không có chạy chức.
“Lâu nay mình khổ sở về vấn đề này, có một số chỗ đã “chạy”. Báo chí cần truyền đạt thông điệp cho đảng viên và nhân dân biết. Người nào có ý định “chạy” thì dừng ngay, chỉ mệt thêm, bởi khi giám sát phát hiện sẽ bị xử lý”- Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cảnh báo.
Đưa ra thông điệp này, Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu sự thật và quyết tâm thay đổi bằng được thực trạng nhức nhối đó.
“Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, tôi nghĩ từ nay trở về sau, công tác kiểm tra, giá sát phải thực sự đi vào quyết liệt, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và tập thể của cán bộ chủ chốt đó phải thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, gương mẫu, khách quan, vô tư và chấp hành đúng quy định của cấp trên trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Nếu ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm, không có sự cả nể - chứ không như trong thời gian vừa qua là có thể rút kinh nghiệm hoặc chỉ kiểm điểm trách nhiệm một phần nào đấy... Làm được thế thì lúc đó công tác cán bộ của chúng ta chắc chắn sẽ tốt hơn”- ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tin tưởng.
Nếu phát hiện “củi” thì phải cho vào “lò”
“Quyết tâm chính trị rất cần thiết nhưng quan trọng là phải thực hiện, chứ quyết tâm xong, khi phát hiện một vụ việc nào đấy lại để lên bàn với lý do liên quan đến anh nọ, anh kia thì không ăn thua.
Vấn đề quan trọng là phải thực hiện, phải có kết quả để chứng minh rằng chủ trương là đúng và những người đang giữ chủ trương là những người thực sự đáng tin cậy... Nếu phát hiện “củi” thì phải cho vào “lò”. (Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)