Tại nghị trường Quốc hội, sáng nay, 4/11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vụ việc 39 người chết ở Anh rất đau lòng, là một thảm hoạ nhân đạo gây chấn động dư luận thời gian qua.
Theo ông Cầu, sự việc này xảy ra tại Anh, nên kết luận về tội danh gì là do cơ quan tố tụng Anh. Còn theo pháp luật Việt Nam, hành vi này không phải là hành vi buôn người mà là hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại điều 349 Bộ Luật Hình sự
“Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Nghệ an tiến hành khởi tố vụ án và đến hôm qua chúng tôi đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây. hành vi trên. Chúng tôi sẽ làm nghiêm và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói.
Gửi lời chia buồn sâu sắc với các gia đình nạn nhân và bày tỏ sự căm phẫn đối với những kẻ phạm tội mua bán người, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, nạn buôn người hoặc đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của các nước, và là vấn đề không dễ giải quyết.
“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng những kẻ phạm tội sẽ bị phát hiện, trừng trị kịp thời, gia đình các nạn nhân sẽ sớm được giúp đỡ vượt qua đau thương này”, ĐB Cường nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng đây là hồi chuông cảnh bảo đối với chúng ta |
Theo ĐB Cường, vụ việc nêu trên có nguyên nhân chủ yếu là từ hành vi dụ dỗ, lôi kéo những kẻ phạm tội và từ nhận thức không đúng đắn của các nạn nhân nhưng cũng không thể không nói đến nguyên nhân là những hạn chế trong vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Đây là một trong những vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác quản lý nhà nước của chúng ta trong một số trường hợp chưa theo kịp thực tiễn. Chỉ khi tiêu cực xảy ra thì chúng ta mới tập trung, quan tâm hơn tới việc rà soát, thanh tra, điều tra chấn chỉnh”, ĐB Cường đánh giá.
Phân tích cụ thể, ĐB Cường cho biết, tội mua bán người, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là loại hình tội phạm phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, khó phát hiện, hoạt động liên tỉnh, đa quốc gia, câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, thống nhất.
Đối tượng chính của loại hình tội phạm này là người nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài. Bị hại trong nhiều trường hợp không có thông tin về đối tượng. Các đối tượng lợi dụng các gia đình khó khăn, lôi kéo, dụ dỗ, sử dụng công nghệ thông tin tìm kiếm nạn nhân.
Từ đó, ĐB Cường đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế hành chính pháp luật, lồng ghép công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người với chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn.
Vị ĐB đoàn Quảng Bình cũng cho rằng, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tổ chức quốc tế với các nước láng giềng trong khu vực, tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp để phối hợp ngăn chặn hiệu quả tội phạm này; Bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống tội phạm, giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm để ổn định cuộc sống, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác phòng, chống mua bán người.