Sau hơn 1 tuần ra quân, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe hàng nghìn trường hợp, tạm giữ hơn 10 nghìn phương tiện. Đáng chú ý, lực lượng CSGT đã phát hiện, ngăn chặn hàng nghìn “ma men”, con nghiện ma tuý điều khiển phương tiện giao thông, giúp nhiều gia đình không bị nỗi đau do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT.
Phóng viên: Đồng chí cho biết, tại sao lựa chọn thời điểm ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội để tổng kiểm soát phương tiện giao thông?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Sở dĩ Cục CSGT chọn thời điểm ngay sau nới lỏng giãn cách cách xã hội để tổng kiểm soát phương tiện vì ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, thì tình hình TTATGT bắt đầu có những diễn biến phức tạp trở lại, tình trạng đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ dẫn đến CBCS CAND hy sinh, bị thương xảy ra ở nhiều địa phương, đã xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Mục đích cao nhất của việc tổng kiểm soát là để bảo vệ tính mạng, sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, hạn chế thấp nhất TNGT và ùn tắc giao thông. Mặt khác cũng là để lấy lại “thương hiệu” của Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức |
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết trọng tâm của đợt tổng kiểm soát phương tiện này là gì? Việc kiểm tra có ảnh hưởng đến thời gian của lái xe hay không, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Tôi khẳng định rằng trọng tâm của đợt tổng kiểm soát này là phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, sử dụng giấy phép lái xe, biển số xe, đăng ký xe giả và một số lỗi là nguy cơ trực tiếp dẫn tới TNGT.
Thực tế cho thấy, qua những ngày đầu thực hiện tổng kiểm soát, lực lượng CSGT chỉ kiểm soát gần 10% tổng số phương tiện cơ giới đường bộ, tức là cứ 10 xe lưu thông trên đường, thì lực lượng CSGT kiểm soát 1 xe. Ngay như việc kiểm tra nồng độ cồn, được thực hiện theo đúng quy định về phòng dịch COVID - 19, thì cũng chỉ mất tối đa là 2 phút cho mỗi trường hợp. Do vậy cũng không mất quá nhiều thời gian của lái xe.
Qua theo dõi thông tin và dư luận xã hội chúng tôi nhận thấy quần chúng nhân dân cũng rất đồng tình, ủng hộ lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo đảm TTATGT.
Phóng viên: Trên thực tế, có lái xe dù không vi phạm giao thông nhưng bị dừng nhiều lần trong một ngày vì di chuyển ở nhiều địa phương, qua nhiều chốt kiểm tra khác nhau. Đồng chí cho biết, trong đợt tổng kiểm soát CSGT có quyền được dừng nhiều lần với một phương tiện như vậy không? Nếu tài xế trình bày đã bị kiểm tra có được bỏ qua không?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Trong tổng kiểm soát, cũng có thể xảy ra trường hợp một phương tiện lưu thông trên tuyến bị một số chốt CSGT kiểm tra. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời với sự thống nhất chỉ đạo và kết nối thông tin trên tuyến, liên tỉnh, lực lượng CSGT sẽ xác minh ngay các trường hợp đã được kiểm soát, mà không cần phải kiểm tra lại. Còn nếu tiếp tục xuất hiện những dấu hiệu vi phạm thì CSGT sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.
Thực tế cho thấy một số vi phạm chỉ phát hiện khi dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, giấy phép lái xe, biển số xe và đăng ký xe giả... Và những ngày đầu thực hiện tổng kiểm soát đã chứng minh, CSGT làm rất tốt công tác này, trung bình 1 ngày phát hiện, xử lý 800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 20 trường hợp vi phạm về ma túy.
Đối với việc dừng phương tiện để kiểm tra, lực lượng CSGT vẫn phải tuân thủ theo đúng quy trình công tác, không để việc kiểm soát làm ách tắc, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên đường, phải đảm bảo an toàn cho người được kiểm tra, người tham gia giao thông và chính lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.
Phóng viên: Trong các loại giấy tờ mà CSGT kiểm soát có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bảo hiểm này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn thì tại sao phải kiểm tra? Nhiều người mua bảo hiểm chủ yếu để đối phó với CSGT. Đồng chí đánh giá gì về tình trạng này?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Tại Khoản 2, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ thì người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo 4 giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trong thực tế khi kiểm tra, lực lượng CSGT sẽ bằng kinh nghiệm và các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng giấy đăng ký xe, biển số xe và giấy phép lái xe giả; kiểm tra nồng độ cồn và ma túy của người lái xe hoặc qua các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý vi phạm về tốc độ, phần đường, làm đường… để phòng ngừa, hạn chế TNGT. Qua thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT cũng tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Việc người dân tự giác trang bị đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cũng phần nào phản ánh ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông đã được nâng lên. Và nó cũng cho thấy, nếu chúng ta thực hiện tốt, thường xuyên, liên tục việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, kết hợp với việc truyền thông cổ vũ giúp người dân ủng hộ cái tốt, mặt tích cực, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, thì sẽ xây dựng được kỷ cương, văn hóa chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Phóng viên: Đợt tổng kiểm tra trên toàn quốc diễn ra trong một tháng, số lượng phương tiện bị dừng kiểm tra các loại giấy tờ là rất lớn, đồng chí cho biết, Cục CSGT có giải pháp gì để tránh tiêu cực của lực lượng khi thực thi công vụ? Nếu người dân phát hiện vi phạm của CSGT thì gửi cho ai để xử lý?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Trước hết, tôi khẳng định rằng đã có nhiều quy định của pháp luật và Bộ Công an rất chặt chẽ về quy trình công tác của lực lượng CSGT. Gần đây, Bộ Công an ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó quy định rất cụ thể về hoạt động giám sát của người dân với lực lượng CAND trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Người dân có quyền giám sát trong khuôn khổ quy định của pháp luật, được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của CBCS đang thực thi nhiệm vụ.
Mặt khác, kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu lực lượng CSGT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng camera (gắn trên xe ôtô, cầm tay và đeo trên người) đã được trang cấp để ghi lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác, ghi nhân các hành vi vi phạm, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các loại tội phạm khác làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng giúp các cấp lãnh đạo chỉ huy kiểm tra, giám sát được hoạt động của CBCS dưới quyền một cách kịp thời.
Đồng thời Cục CSGT đã yêu cầu quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân và quy trình công tác, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân.
Vì thế chúng tôi tin tưởng rằng với sự giám sát của nhân dân, với những quy định và yêu cầu chặt chẽ trong quá trình công tác, cùng sự kiểm tra của chỉ huy các cấp, lực lượng CSGT sẽ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng quy định.
Cục CSGT, Phòng CSGT Công an các địa phương đã thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử số điện thoại tiếp nhận thông tin, do vậy, nếu có nhu cầu người dân có thể phản ánh tới chúng tôi, để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật và ngành Công an.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thống kê cho thấy trong 8 ngày đầu thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát, lực lượng CSGT trên cả nước đã phát hiện lập biên bản xử lý: 116.478 trường hợp vi phạm (gồm 4.351 xe khách, 1.243 xe container, 8.747 xe con, 83.020 môtô...). Tạm giữ 18.258 phương tiện, tước 7.388 giấy phép lái xe. Trong đó vi phạm quy định về nồng độ cồn: 5.992 trường hợp; vi phạm ma tuý: 76 trường hợp. Các vi phạm mức cao như: Vi phạm quy định về mũ bảo hiểm: 19.765 trường hợp; không có GPLX hoặc đăng ký xe, GPLX, đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tẩy xoá: 14.225 trường hợp; vi phạm tốc độ: 9.075 trường hợp; vi phạm quy định về dừng đỗ: 7.128 trường hợp… |