Không những thế nhiệt độ giảm mạnh còn là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Theo tìm hiểu, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng 15-30%. Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... vì vậy, cần có các biện pháp tích cực nằm bảo vệ sức khỏe người già khi gặp thời tiết lạnh.
Một số bệnh thường gặp
Qua rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia y khoa cho thấy thời tiết mùa đông làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trên con người đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Chính vì thế chủ động phòng tránh bệnh theo mùa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng bệnh.
Với người cao tuổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút…. Không khí lạnh tác động không tốt với đường hô hấp, từ đó làm bùng phát các bệnh hô hấp mạn tính ở người già. Ngoài ra, môi trường ẩm thấp cũng tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh dễ tấn công người cao tuổi.
Cụ thể khi nhiệt độ giảm, nếu mặc không đủ ấm, một số người cao tuổi sẽ xuất hiện hoặc tái phát các bệnh về đường hô hấp (viêm họng, mũi, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng), đặc biệt là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhiệt độ càng giảm, thời tiết càng lạnh thì bệnh hen suyễn càng nặng, đặc biệt là những người tuổi cao, sức khỏe giảm sút thêm vào đó là ăn uống không đảm bảo, mặc không đủ ấm các bệnh về phổi cũng mắc nhiều hơn.
Một số bệnh về tim mạch ở người cao tuổi cũng sẽ gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó cần đặc biệt lưu ý bệnh tăng huyết áp kịch phát mỗi khi lạnh đột ngột do mặc không đủ ấm, phòng ngủ không kín gió, chăn, đệm không đủ chống rét, tắm nước lạnh. Bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng luôn rình rập mỗi khi giá rét, mưa nhiều.
Khi nhiệt độ xuống thấp cũng làm cho các bệnh về xương khớp ở người cao tuổi gia tăng hoặc tái phát như: thoái hóa, đau và xơ cứng khớp gối, khớp bàn tay, cổ tay, khớp cột sống thắt lưng. Thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa đông giá rét làm cho người bệnh khó vận động, đau nhức, giấc ngủ không yên, vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Một số bệnh về đường tiêu hóa như: bệnh dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) cũng là những bệnh khi giá lạnh thì xuất hiện hoặc tái phát làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người già.
Trả lời báo chí bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Trưởng Khoa Hô hấp dị ứng cho biết: Cùng với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất của người cao tuổi đều suy giảm hoạt động nên rất dễ bị bệnh khi thay đổi thời tiết, nhất là khi trời chuyển lạnh. Do đó, người cao tuổi cần có sự đề phòng, bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là những quãng thời gian giao mùa và những đợt gió mùa về.
Thời điểm này, tiết trời thay đổi đột ngột, nhiệt độ sẽ chênh nhau rất nhiều, có khi sáng thì rất lạnh nhưng đến trưa thì lại ấm và chiều bắt đầu se lạnh. Nếu cơ thể không đủ khỏe mạnh thì rất dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Đối với những người có mầm bệnh sẵn trong người, khi thay đổi thời tiết thì tình trạng bệnh sẽ càng nặng hơn. Chính vì vậy những người trong gia đình phải chủ động phòng tránh bệnh cho người già khi mùa đông về.
Để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông, người cao tuổi nên chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
Giữ ấm cơ thể
Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo len, dạ, áo khoác, khăn quàng cổ, mũ len, đi tất dày. Mặc đủ ấm giúp cơ thể tránh được sự mất nhiệt khi trời lạnh. Có thể dùng khăn len che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh và khô dễ bị viêm mũi họng, thậm chí viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi mạn tính… Mặc ấm càng cần thiết đối với một số người bị chứng dị ứng do lạnh: mẩn ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen.
Tạo một môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ nên có rèm hoặc kính che bớt gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều. Mùa lạnh nếu có thể, nên lắp lò sưởi hoặc sử dụng bóng điện đỏ cho ấm. Chú ý không đưa bếp than tổ ong hoặc than củi vào sưởi rồi đóng kín cửa sẽ gây ngộ độc khí CO, một loại khí độc gây tử vong cao.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh. Người già ban đêm hay thức dậy do khó ngủ hoặc do chứng tiểu đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra. Nếu dậy sớm tập thể dục hoặc có việc phải đi ra ngoài cũng làm như vậy. Nhiều trường hợp do thay đổi nhiệt độ quá nhanh, cơ thể người già không đáp ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim… hết sức nguy hiểm.
Ăn đủ chất
Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calorie nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người già khó hấp thu. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calori và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể là nguyên nhân mất ngủ do đầy bụng chướng hơi, do đi tiểu nhiều. Tuyệt đối không dùng rượu để "chống rét" vì rượu gây dãn mạch, khi ra ngoài lạnh rất nguy hiểm.
Tập luyện đều đặn
Tập luyện đều đặn giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão; giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống chóng tiêu và giúp cho cơ thể tăng khả năng chịu lạnh. Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp, thậm chí có thể tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Khi tập thể dục, đi bộ, chạy, chơi cầu lông… nên mặc áo khoác, khởi động kỹ cho người ấm lên sau đó mới bỏ áo ngoài và tập luyện. Người già nên chú ý chỉ tập luyện sao cho vừa sức và không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh.
Mùa đông người già nên ăn gì để tốt cho sức khỏe?
Vào mùa đông người cao tuổi rất dễ bị giảm sút sức khỏe vì thế cần phải chú ý đến việc ăn uống. Vậy mùa đông người già nên ăn gì? Người già nên ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt nên giữ mở cho cơ thể vì để sinh năng lượng chống rét. Thức ăn phải được nấu chín, mềm để cơ thể dễ hấp thu.
Ăn nhiều mỡ
Cơ thể trong mùa đông cần lượng calorie nhiều để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường, vì thế nên cần bổ sung từ những món ăn có chứa nhiều mỡ để giúp cơ thể sinh ra năng lượng chống rét. Có thể ăn thịt gà vì thịt gà có chứa lượng protein cao, giúp tăng cường sức khỏe.
Ăn nhiều thực phẩm nhiều chất sắt
Theo những nghiên cứu trước đây thì nếu cơ thể thiếu sắt thì cũng dễ bị lạnh. Thế nên người già cần phải thường xuyên ăn những thức ăn chứa nhiều sắt như gan, thịt nạc, rau quả, lòng đỏ trứng, …
Ăn nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng muối hữu cơ
Có nhiều trong những loại thực phẩm như khoai sọ, rau quả, củ cải trắng,… để giúp cơ thể ấm hơn.
Ăn nhiều thức ăn chứa iốt
Iốt có nhiều trong rong biển, sứa, hến, … I ốt bổ sung tuyến giáp trạng của cơ thể giúp cơ thể nóng dần lên giúp giữ ấm trong mùa đông.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Như các loại trái cây gồm cam, chanh, bưởi, quýt… chứa nhiều dưỡng chất giúp chống cảm cúm, cảm lạnh hiệu quả. Ngoài ra, vitamin C duy trì sự khỏe mạnh của các tế bào, giúp chống chọi với các virut và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy vitamin C có thể làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh, cảm cúm và đặc biệt hiệu quả khi mới chớm bệnh. Ngoài ra, trong các loại quả này còn có bioflavonoid là nhóm hóa thảo giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào không bị thương tổn. Vì thế, nên thường xuyên sử dụng các loại quả họ cam chanh trong mùa đông để tốt cho sức khỏe của người già.
Ngoài việc bổ sung những loại thực phẩm kể trên, vào mùa đông người già không nên ăn những loại dưa vì có thể gây lạnh bụng. Thức ăn cần phải được nấu chín để dễ hấp thụ. Vào buổi tối người già thường hay khó ngủ nên có thể ăn nhẹ và thêm trái cây tươi. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vì gây ra hiện tượng trướng bụng gây khó chịu và đi tiểu nhiều. Tránh uống những loại thức uống như trà, cà phê để tránh bị mất ngủ. Người già nên uống đủ nước vào mùa đông, có thể uống một số loại sữa bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, tránh làm ấm người bằng cách uống rượu vì không tốt cho cơ thể.