Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo
Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Hiện nay, ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến mới. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, chúc mừng Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Huê Nghiêm nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023. |
Là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo nhưng ở Việt Nam không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi người hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Ở Việt Nam, các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.
Nhà nước Việt Nam bảo đảm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Đặc biệt, những ngày lễ trọng của các tôn giáo như Đại lễ Phật đản, Lễ Vu lan của Phật giáo; Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ hội Yến Diêu Trì Cung, Lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài; Lễ hội Katê của đồng bào Chăm; Tháng chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự.
Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trên phạm vi cả nước luôn được tạo điều kiện thuận lợi. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động trong việc củng cố tổ chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật. Nhà nước cũng luôn bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, các tổ chức tôn giáo luôn đồng hành và tham gia tích cực vào đời sống chính trị - xã hội đất nước. Quốc hội khóa XV có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu (trong đó có 4 chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử; 1 chức sắc ứng cử lần đầu); 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các Hội, đoàn thể khác như Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam...
Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng luôn được tôn trọng và bảo đảm. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, chính quyền các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại trên địa bàn các tỉnh, TP với hàng trăm người tham gia, chủ yếu tại TP HCM (41 điểm nhóm), TP Hà Nội (13 điểm nhóm) và có quốc tịch từ nhiều nước.
Người dân cần vững vàng trước những luận điệu xuyên tạc
Thực tế, hiện nay, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, trong đó có thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng chính sách pháp luật, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Tuy nhiên, các đối tượng không có thiện chí ở trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Ở trong nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo, những sơ hở, thiếu sót của ta trong quá trình thực hiện chính sách, một số chức sắc có tư tưởng cực đoan bị các thế lực thù địch phản động lợi dụng đã lồng ghép yếu tố chính trị, kích động gây ra “điểm nóng” tôn giáo, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành,...
Ở ngoài nước, một số nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng thường xuyên đăng tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, kích động nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do tôn giáo”, “tự do nhân quyền”, kêu gọi các tổ chức chính trị, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng can thiệp.
Hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ đều có Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có nêu một số nội dung nhận định thiếu khách quan, sai lệch về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam; cho rằng Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế, cản trở việc thực hành tôn giáo của phạm nhân; nêu quan ngại về một số trường hợp “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”.
Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế 2023 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Mỹ (USCIRF) và Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố mới đây tuy đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo và trích dẫn một số thông tin chính thống của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, song họ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Phản ứng về những báo cáo này, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Để công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với tình hình thực tế nước ta và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Đặc biệt, mỗi người dân cần tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu gây bất ổn xã hội, chống phá chế độ. Các chức sắc tôn giáo phải vững vàng trước những luận điệu xấu, độc để cùng Đảng và nhà nước vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch…