Sai lầm và tác hại
Nếu như học tại trường mắt trẻ được điều tiết giữa sách, vở trước mặt và bảng ở xa thì online với các thiết bị điện tử, mắt trẻ luôn phải tập trung vào màn hình, về lâu dài dễ dẫn đến nhiều nguy cơ cho mắt.
Những đợt học online trong năm học vừa qua đã cho thấy tình trạng trẻ gặp phải các vấn đề nhức mắt, mệt mỏi, đau đầu… khi phải ngồi trước màn hình các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính hay máy tính bảng trong thời gian dài.
Theo các nghiên cứu cho thấy, thời lượng làm việc bằng mắt với các loại máy tính, màn hình chỉ được cho phép dưới 5 giờ/ngày. Tuy nhiên, nếu việc học được tiến hành thông qua online, thời gian dùng máy để học có thể lên đến trên 5 tiếng đồng hồ. Cạnh đó, nhiều gia đình cạnh việc học online còn cho con dùng thiết bị thông minh để học thêm ngoại ngữ hoặc chơi game, giải trí. Nhiều trẻ có thời gian dùng thiết bị điện tử lên đến hàng chục tiếng mỗi ngày thì nguy cơ gây hại cho mắt là rất cao.
Cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn để con buổi tối nằm trong bóng tối sử dụng máy tính để học thêm, giải trí. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại sẽ tấn công trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào võng mạc hơn khi ở trong phòng tối hoặc thiếu sáng, có thể gây chết các tế bào thị giác, không chỉ khiến tăng độ cận thị mà còn có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc dẫn đến suy giảm thị lực.
Cạnh đó, nếu khoảng cách mắt so với màn hình máy tính gần hơn 50cm, trẻ cũng dễ bị đau mắt, cận thị. Với trẻ sử dụng máy tính để bàn hoặc xách tay, cha mẹ nếu không chú ý đặt màn hình vị trí lý tưởng là ở ngang hoặc chếch bên dưới tầm mắt của trẻ mà đặt hơi cao sẽ khiến con bị mỏi cổ, căng mắt khi ngước lên nhìn màn hình, lâu dài ảnh hưởng đến đốt sống cổ.
Dấu hiệu nhận biết của việc trẻ bị “quá tải” ở mắt là trẻ bị đau đầu, dụi mắt thường xuyên hoặc mệt mỏi, nháy mắt liên tục khi ngồi trước máy tính.
Chú ý thời lượng học, chăm sóc mắt đúng cách
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển, với 45 phút học trực tiếp trên trên lớp sẽ không hại mắt cho trẻ vì học ở lớp mắt không nhìn liên tục tại một điểm, trẻ còn được nghỉ giải lao sau các tiết, tham gia các trò chơi. Nhưng 45 phút học online trên màn hình máy tính, điện thoại, lại nhân với 4 – 5 tiết/mỗi buổi, các giờ giải lao hay trò chơi, tương tác đều thực hiện thông qua màn hình, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến mắt. Cạnh đó, nhìn màn hình quá lâu cộng với ngồi học sai tư thế cũng dễ gây cho các em cận thị và cong vẹo cột sống.
Theo bác sĩ Công, cần có giải pháp từ phía nhà trường, chỉ dạy học những môn hết sức cần thiết. Thời gian còn lại, học sinh có thể được “học” bằng thực tế tại nhà với sự phối hợp của gia đình như các kĩ năng, giúp đỡ việc nhà...
Bác sĩ Nguyễn Văn Công đề xuất, mỗi ngày học sinh tiểu học chỉ nên học trực tuyến không quá 3 tiếng và cần có khoảng nghỉ, bởi độ tập trung của trẻ em kéo dài tối đa 30 phút. Học sinh cấp 2, học trực tuyến không nên quá 4 tiếng và cũng cần có khoảng nghỉ giữa các tiết học.
Còn bác sĩ Tiến sĩ – Bác sĩ Hoàng Cương – Phó trưởng ban Thông tin Tuyên truyền – Bệnh viện Mắt Trung ương thì có một lưu ý đặc biệt về thời điểm học online trong mùa dịch. Theo đó, các giờ học online nên tránh từ 17 - 19 giờ, 7 - 9 giờ , 11 - 13 giờ. Khung giờ này trùng đúng điểm rơi của sinh lý cơ thể cũng như cơ quan thị giác, thích hợp với nghỉ ngơi chứ không phải học hành.
“Góc nhìn màn hình nên chếch góc 15 độ, không được để ngang mặt hay cao quá đối với trẻ. Cự li khi sử dụng màn hình nên là 1,5 lần đường chéo của màn hình đó, tức là khoảng 60 – 80 cm với laptop và desktop.
Còn với thiết bị Ipad hay điện thoại thông minh thì cự li sẽ phải gần hơn nhưng theo tôi các phụ huynh nên hạn chế cho con sử dụng các thiết bị này vì màn hình quá bé, gây mỏi mắt”, bác sĩ Hoàng Cương nhấn mạnh.
Có một quy tắc thường được áp dụng cho trẻ em học online tại Mỹ, đó là Quy tắc 20/20/20. Cứ 20 phút, cha mẹ cần nhắc trẻ cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn vào một vật cách xa khoảng 6m. Các chuyên gia nhãn khoa tại Mỹ cũng luôn khuyến cáo cha mẹ nên giúp trẻ điều chỉnh độ sáng của màn hình điện thoại, máy tính phù hợp với ánh sáng trong nhà. Bàn học của trẻ nên đặt ở vị trí vuông góc với cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Trẻ em chưa biết điều tiết mắt để tránh mỏi mắt. Vì vậy, phụ huynh cần hướng dẫn cho con tập các động tác về mắt như đảo mắt, mở to, nhắm mắt, xoa tay áp lên mắt… Cần tham khảo bác sĩ nhãn khoa để bổ sung thuốc nhỏ mắt thích hợp cho trẻ.
Cạnh đó, chế độ ăn uống cân bằng tốt là vô cùng quan trọng. Trong thời gian học online, ngoài chế độ dinh dưỡng thường ngày còn cần bổ sung một số vitamin và vi chất dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin A, vitamin C, vitamin E, lutein và axit béo omega. Các chất này có tự nhiên trong các thực phẩm cà rốt, củ dền, xoài, đu đủ, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, cá... Tốt nhất nên cho trẻ ăn những loại vitamin này ở dạng tự nhiên hơn là cung cấp cho các chất bổ sung.