Mới đây đã có thêm 4,000 lượt người cam kết không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu tại 13 tỉnh, thành trên cả nước, nâng tổng số người cam kết không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu lên gần 40.000 người chỉ trong năm 2017.
Thế nhưng, trong câu chuyện bảo vệ động vật hoang dã, có một câu nhận định rất chính xác là: “Không có người mua, không còn kẻ giết”, số người có nhu cầu sử dụng mật gấu chỉ mới giảm 61%, nghĩa là vẫn còn có người có nhu cầu. Mà chỉ cần một người còn có nhu cầu thì sự an nguy của gấu vẫn ở trên bờ vực bấp bênh.
Tiến sĩ Karanvir Kukreja, một chuyên gia về gấu hoang dã của Tổ chức World Animal Protection chia sẻ câu chuyện của Hàn Quốc rằng để bảo vệ loài gấu và chấm dứt việc giết gấu lấy mật, Chính phủ Hàn Quốc đã lập hẳn một nhóm chuyên gia bao gồm chuyên gia y tế, xã hội, bảo tồn, người nuôi nhốt gấu...
Mỗi chuyên gia từ góc độ của mình sẽ lên kế hoạch hành động cụ thể để có tác động cao nhất. Bên cạnh đó, Hiệp hội Đông y Hàn Quốc cũng ban hành văn bản chỉ ra các sản phẩm có thể thay thế mật gấu trong thuốc để cho dân chúng biết và yên tâm sử dụng sản phẩm thay thế. Kết quả là Hàn Quốc từ một quốc gia nhập khẩu gấu và giết gấu để lấy mật nhiều nhất đã chấm dứt được gần hết việc nuôi nhốt gấu. Những con gấu còn lại tại Hàn Quốc hiện nay đều đã bị triệt sản để không có thế hệ gấu kế tiếp nữa.
Quay trở lại với câu chuyện của Việt Nam, dù rằng từ năm 2015 Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có Chỉ đạo số 16315/QLD-MP về tăng cường bảo vệ động vật thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Theo Chỉ đạo này, cá nhân, tổ chức công bố sản phẩm mỹ phẩm trong công thức sản phẩm có thành phần liên quan đến động vật, thực vật thuộc Danh mục động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ phải cam kết các thành phần này không phải là đối tượng bị cấm khai thác thương mại theo quy định của pháp luật. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã cũng đã phối hợp với Bộ Y tế công bố những nguyên liệu có thể thay thế mật gấu trong chữa bệnh...
Tháng 7/2017, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết chấm dứt nuôi nhốt gấu ở Việt Nam. Trong Tuần lễ Gấu diễn ra trong tháng 12/2017 chuỗi phim ngắn bảo vệ gấu đã được trình chiếu tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hồng Ngọc tại Hà Nội tiếp cận hàng nghìn bệnh nhân cùng người nhà và cán bộ, y bác sĩ... Nhưng thực tế cho thấy dường như những động thái này chưa đem lại hiệu quả cao.
Mới đây nhất, ám ảnh người viết là nụ cười của Nguyễn Mậu Chiến “trùm sò” trong giới buôn lậu động vật hoang dã. Ngay tại phiên tòa, nhìn thái độ của Nguyễn Mậu Chiến người ta có cảm tưởng rằng anh ta không coi việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Nụ cười ấy chứng tỏ một điều rằng, vẫn còn người có nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã thì tất nhiên sẽ còn hành vi giết hại, mua bán, tàng trữ. Vì thế có thể nói việc tác động đến nhận thức xã hội là rất quan trọng.Việc bảo vệ gấu nói riêng và bảo vệ động vật hoang dã nói chung phải có sự chung tay của toàn xã hội chứ không của riêng ai.