Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, 10h hôm nay, 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo, từ 24-48 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng Tây, Tây Nam, Tây Tây Nam sau đó là Đông Nam.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5-10km, tiếp tục suy yếu thêm.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 25/10, có 67.212 phương tiện/307.822 người được thông báo, hướng dẫn diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong đó, khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa có 35 tàu/184 người; Hoạt động khu vực khác có 8.595 tàu/47.917 người; Neo đậu tại các bến có 58.218 tàu/259.721 người. Không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Về công tác chỉ đạo, ứng phó, ngày 24/10/2024, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg chỉ đạo chủ động ứng phó bão số 6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ và số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc ứng phó với bão TRAMI gần biển Đông.
Ngày 22/10/2024, Bộ Ngoại giao đã có Công hàm gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ đề nghị tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tránh trú; Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã có Công điện về việc ứng phó với bão TRAMI.
Ngày 20/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn số 7878/BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão TRAMI và gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển. Đến nay, có 22 tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành công điện, văn bản triển khai ứng phó. Các địa phương hiện đang tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó.