Bão Trà Mi đổ bộ miền Trung, các địa phương ghi nhận thiệt hại ban đầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trami) đã gây gió mạnh và mưa lớn nhiều tỉnh thành miền Trung. Tình trạng sạt lở, sụt lún, nứt toác quả đồi xuất hiện ở các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Còn TP Đà Nẵng hàng loạt cây xanh ngã đổ, tàn phá vỉa hè ven sông Hàn.

Chiều 27/10, ghi nhận của PV Báo Pháp luật Việt Nam, bão số 6 (bão Trami) đã đổ bộ vào đất liền một số tỉnh thành miền Trung và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo bão số 6 sẽ suy yếu thành vùng áp thấp vào tối cùng ngày. Dù cường độ không quá mạnh nhưng cơn bão này cũng để lại ít nhiều thiệt hại cho các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến chiều nay, ghi nhận 2 người bị thương.

Một số nhà dân Quảng Nam bị tốc mái do gió mạnh. (Ảnh: C.H)

Một số nhà dân Quảng Nam bị tốc mái do gió mạnh. (Ảnh: C.H)

Cụ thể ông Nguyễn Tấn Trí (37 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) bị té ngã khi chằng chống nhà cửa và Nguyễn Văn Minh (35 tuổi, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bị té gãy chân do chằng chống nhà cửa, hiện nay đang điều trị tại Bệnh viện thị xã Điện Bàn.

Bên cạnh đó 6 nhà bị tốc mái một phần tại huyện Tây Giang, lực lượng xung kích đã kịp thời giúp người dân khắc phục; 7 nhà bị tốc mái tại huyện Phước Sơn.

Trung tâm Y tế huyện Tây Giang xuất hiện nhiều vết nứt tường, nứt gãy nền nhà. (Ảnh: C.H)

Trung tâm Y tế huyện Tây Giang xuất hiện nhiều vết nứt tường, nứt gãy nền nhà. (Ảnh: C.H)

Ngoài ra đã xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt gãy nền nhà, tường nhà bất thường tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang với diện tích khoảng 300m2. Huyện đã chủ động phương án di dời tạm thời để đảm bảo an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn.

Tại huyện Quế Sơn, một số tuyến đường bị cây cối ngã, đổ đến nay cơ bản đã thông tuyến.

Huyện Phước Sơn có một số tuyến đường xã, đường huyện bị sạt lở, cây cối ngã đổ ảnh hưởng đến lưu thông. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương khắc phục tạm thời, đồng thời cắm các biển cảnh báo và khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết vào thời điểm xảy ra mưa bão.

Một số tuyến đường Quảng Nam có nguy cơ sạt lở cao. (Ảnh: C.H).

Một số tuyến đường Quảng Nam có nguy cơ sạt lở cao. (Ảnh: C.H).

Đáng chú ý, đỉnh đồi ngay chính giữa khu dân cư Nà Nổ (thôn Gia Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) xuất hiện một vết nứt có độ sâu 1 m, dài 30 m dạng vòng cung, bán kính 10 m, ước tính khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở 100 mét khối.

Chính quyền huyện Hiệp Đức huy động phương tiện tổ chức đào mương chia nước trên đỉnh đồi để hãm nước chảy xuống taluy khu dân cư. (Ảnh: C.H)

Chính quyền huyện Hiệp Đức huy động phương tiện tổ chức đào mương chia nước trên đỉnh đồi để hãm nước chảy xuống taluy khu dân cư. (Ảnh: C.H)

Ngay lập tức, chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng di dời 30 hộ dân với 156 nhân khẩu tại khu dân cư này đến trú ẩn tại Trường tiểu học Kpa - Kơ lơng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để bà con ăn ở và sinh hoạt.

Người dân khu dân cư Nà Nổ được đưa đến nơi an toàn để tránh sạt lở. (Ảnh: C.H)

Người dân khu dân cư Nà Nổ được đưa đến nơi an toàn để tránh sạt lở. (Ảnh: C.H)

Tại TP Hội An, ảnh hưởng của bão số 6 gây gió rít mạnh làm gãy nhiều cây xanh, trong đó một cây xanh lớn đổ ngã tại TP Hội An suýt đè trúng người đi đường. Khu vực ven biển Tam Thanh, Tam Tiến (huyện Núi Thành), một số bảng hiệu hàng quán của người dân bị hất tung.

Tại TP Đà Nẵng, ảnh hưởng của bão số 6 cũng khiến một số khu vực như cầu vượt Hòa Cầm, đường Lê Đại Hành (quận Cẩm Lệ), đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) gãy đổ nhiều cây xanh.

Cây xanh ở TP Đà Nẵng ngã đổ gây hư hỏng xe ô tô. (Ảnh: Công Huy)

Cây xanh ở TP Đà Nẵng ngã đổ gây hư hỏng xe ô tô. (Ảnh: Công Huy)

Gió mạnh cũng khiến sóng đánh cao từ 2-3m vào khu vực phía tây cầu Thuận Phước (quận Hải Châu) làm hư hỏng vỉa hè ven sông Hàn. Tại đường Như Nguyệt gạch lát vỉa hè cũng bong tróc, bị sóng cuốn lên mặt đường. Trước diễn biến khó lường của bão số 6, chính quyền thành phố đã phát thông báo cấm phương tiện di chuyển qua các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, ngập nước…

Gạch lát vỉa hè bị hất tung ra lòng đường Như Nguyệt, TP Đà Nẵng. (Ảnh: Công Huy)

Gạch lát vỉa hè bị hất tung ra lòng đường Như Nguyệt, TP Đà Nẵng. (Ảnh: Công Huy)

Còn tại khu vực phía nam đèo Hải Vân, gió mạnh cũng làm cây xanh ngã đổ nằm chắn đường. Dọc cung đường đèo, nhiều trụ điện cũng bị gió quật ngã. Một số vị trí có đá lăn xuống mặt đường.

Sau đó, lực lượng CSGT Đà Nẵng phối hợp với công ty Đèo Cả (đơn vị quản lý hầm và đèo Hải Vân) cắt tỉa, cưa cây, dọn sạt lở trên đèo. Đến trưa cùng ngày, quốc lộ 1 đoạn qua đường đèo Hải Vân và hầm đường bộ Hải Vân nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng đã thông tuyến trở lại.

Lực lượng CSGT phối hợp Công ty Đèo Cả (đơn vị quản lý hầm và đèo Hải Vân) tổ chức cưa cây, hót dọn sạt lở trên đèo. (Ảnh: C.H)

Lực lượng CSGT phối hợp Công ty Đèo Cả (đơn vị quản lý hầm và đèo Hải Vân) tổ chức cưa cây, hót dọn sạt lở trên đèo. (Ảnh: C.H)

Tại núi Tà Cút (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi), cũng xuất hiện nhiều vết nứt sâu tạo rãnh lớn. Mưa xuống, nước từ đỉnh núi chảy xiết, cuốn theo đất, đá đổ về chân núi, đe dọa trực tiếp tính mạng và nhà cửa của 6 hộ dân, với 23 nhân khẩu. Còn tại thôn Nguyên, núi cũng bị nứt từ nhiều năm nay. Mỗi khi có mưa lớn, người dân lại phấp phỏng lo sợ, nhất là số hộ dân đang sinh sống dưới chân núi.

Để đảm bảo an toàn cho hàng chục người dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền huyện Trà Bồng đã tổ chức di dời người dân trước khi bão đổ bộ.

Người dân huyện miền núi Trà Bồng được di dời đến nơi tránh trú bão an toàn. (Ảnh: C.H)

Người dân huyện miền núi Trà Bồng được di dời đến nơi tránh trú bão an toàn. (Ảnh: C.H)

Theo thống kê, trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng có 277 hộ, với 1.107 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở rất cao và 844 hộ, với 3.577 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, tập trung tại các xã Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Bùi, Trà Lâm và Trà Tây.

Đọc thêm

Gia Lâm phát động thi đua xây dựng 'Trường học hạnh phúc"

Gia Lâm phát động thi đua xây dựng 'Trường học hạnh phúc"
(PLVN) - Sáng 26/10, tại Trường Mầm non Bình Minh, xã Ninh Hiệp, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm phát động thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc", hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 - 2024).

Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ 'đội mưa' khắc phục sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên Huế

Đoàn lãnh đạo tỉnh do ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy kiểm tra công tác sạt lở bờ biển tại phường Thuận An, Thành phố Huế.

(PLVN) - Để chủ động ứng phó với bão số 6 (bão Trami) đang di chuyển vào bờ, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội thường trực, Dân quân tự vệ phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục sạt lở bờ biển và triển khai các phương án phòng chống bão.

Thừa Thiên Huế nghiên cứu tháo gỡ một số vướng mắc trong đấu giá quyền khai khoáng

Tại Thừa Thiên Huế, trước đây một số DN đã trúng đấu giá quyền khai khoáng nhưng trong quá trình thực hiện xuất hiện một số vướng mắc nên đã xin trả lại mỏ. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) -  Trong các mỏ khoáng sản được tổ chức đấu giá thành công tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có một số doanh nghiệp (DN) có văn bản gửi UBND tỉnh xin trả lại mỏ do quá trình thực hiện, xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc; dẫn đến tính không khả thi khi thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS).

HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua 23 nghị quyết quan trọng

Quang cảnh kỳ họp.
(PLVN) -  Ngày 25/10, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII tổ chức kỳ họp thứ 27.