Bảo tồn kiến trúc dân tộc: Một cách lưu giữ sự trường tồn của văn hóa

Nhà truyền thống của người Ê-đê trong khuôn viên Vườn kiến trúc. Ảnh Internet
Nhà truyền thống của người Ê-đê trong khuôn viên Vườn kiến trúc. Ảnh Internet
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nền văn hóa của một dân tộc, một quốc gia được xâu chuỗi bằng lịch sử văn hóa. Lịch sử văn hóa lại được minh chứng thông qua di tích, lễ hội, phong tục, kiến trúc… và các chứng nhân thực hành văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác. Do đó, giữ gìn các khía cạnh văn hóa và đảm bảo để các hoạt động thực hành văn hóa không bị đứt đoạn là việc làm rất quan trọng.

Hiểu về ngôi nhà truyền thống của người Êđê

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) được coi là điểm hẹn văn hóa đặc sắc ở Hà Nội. Bảo tàng rộng 3,27ha, gồm nhiều công trình kiến trúc mới lạ và được ví như một bức tranh thu nhỏ về đồng bào 54 dân tộc tại Việt Nam với nhiều hiện vật được trưng bày như trang sức, y phục, vũ khí, tôn giáo, nhạc cụ, tín ngưỡng…

Một trong những nơi thu hút du khách ở Bảo tàng DTHVN là khu trưng bày ngoài trời với 10 công trình kiến trúc dân gian Việt Nam bao gồm: khuôn viên nhà người Chăm, nhà người Việt, nhà rông Bana, nhà dài Êđê, nhà mồ Giarai, nhà mồ Cơtu, nhà sàn Tày, nhà nửa sàn nửa trệt người Dao, nhà trệt H’Mông, nhà trình tường của người Hà Nhì. Mỗi ngôi nhà đều có lai lịch và đời sống riêng.

Ngôi nhà dài Êđê được dựng lại tại Bảo tàng DTHVN năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Êđê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà dài 42,5m, sàn cao 1,1m và rộng 6m. Tại Bảo tàng, ngôi nhà vẫn giữ được hướng Bắc - Nam theo tập quán cổ truyền Êđê. Đầu nhà quay về phía Bắc, có cửa chính và là cửa đón khách, thông ra sàn rộng, còn đầu hồi phía Nam, cuối nhà, dành cho sinh hoạt gia đình. Trong xã hội Êđê truyền thống, ngôi nhà dài là nơi cư trú của một đại gia đình mẫu hệ; gia đình càng đông thì nhà càng dài, xưa kia đã từng có những nhà dài trên dưới 200m. Đến những năm 70 của thế kỷ 20 vẫn thấy nhiều ngôi nhà dài 50 - 60m.

Để bảo tồn, gìn giữ lâu dài các công trình kiến trúc dân gian đặc sắc này trước tình trạng xuống cấp, đồng thời giúp công chúng tiếp tục khám phá về văn hóa của người Êđê, từ ngày 25/2/2023, Bảo tàng DTHVN mời nhóm thợ người Êđê đến từ buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ra sửa chữa. Sau gần hai tháng, nhóm thợ đã hoàn tất một số hạng mục của ngôi nhà dài như: lợp lại mái nhà, làm lại cửa sổ, cửa chính, sửa lại sàn, vách, thay sàn gỗ và sắp xếp lại một số hiện vật bài trí bên trong ngôi nhà.

Ngày 17/4 vừa qua, tại Bảo tàng đã diễn ra buổi giao lưu với người Êđê với chủ đề “Ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay”. Sự kiện nhằm tạo cơ hội cho công chúng tìm hiểu trực tiếp về ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay của người Êđê cũng như những quan điểm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của Bảo tàng DTHVN.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Y Yôc Hmok, Trưởng đoàn cho biết: “Thường thì mái nhà lợp được 7 đến 8 năm là đã phải thay rồi. Ở buôn Ky, ngày xưa nhà nào cũng đun bếp lửa hằng ngày, có nhà có đến 5 hoặc 6 bếp, vì mỗi gian là một gia đình nhỏ và một bếp, khói hằng ngày giúp bảo vệ mái nhà tốt và bền hơn. Ngoài Hà Nội thì có 4 mùa mưa nắng lại không có khói bếp hằng ngày, nên mái nhà sẽ nhanh hỏng hơn. Cũng lợp cỏ tranh khô, nhưng người Êđê không đánh thành từng tấm phên như ở nhiều dân tộc khác mà lợp từng cụm một, đầu gốc bẻ quặp xuống và được kẹp chặt bởi 2 thanh lồ ô phía trên. Để cỏ tranh không bị gãy khi bẻ thì những người thợ ngâm gốc cỏ tranh vào trong nước từ 3 đến 5 phút trước khi mang lên lợp mái”.

Nhóm 13 thợ tham gia sửa nhà dài Êđê. Ảnh BTDTHVN

Nhóm 13 thợ tham gia sửa nhà dài Êđê. Ảnh BTDTHVN

Theo một người thợ Êđê khác, ông Y Ngun Ktul: “Ngày xưa chọn tre làm nhà người ta phải chặt tre vào độ tháng 10 vì tháng mưa tre sẽ chua, không ngọt như mùa khô, không có mùi thơm nên mọt sẽ không ăn tre. Nếu chặt tre vào mùa khô thì phải ngâm nước khoảng 15 ngày để chống mọt. Khách tham quan đi lại nhiều, sàn nhà sẽ nhanh bị bung mối dây mây, nếu có người thường xuyên kiểm tra và cho buộc lại ngay thì sàn nhà sẽ bền hơn nếu không thì nhanh hỏng”.

Gìn giữ văn hóa qua bảo tồn kiến trúc

Giữ gìn các khía cạnh văn hóa và đảm bảo để các hoạt động thực hành văn hóa không bị đứt đoạn là việc làm rất quan trọng. Việc bảo tồn các kiến trúc đại diện cho văn hóa dân tộc cũng không nằm ngoài nhận thức này.

Tại buổi giao lưu, ông A Đinh, trưởng nhóm thợ cho biết, trong số 13 người thợ Tây Nguyên ra Hà Nội sửa ngôi nhà lần này, có cả con, cháu, em của những thợ lành nghề cao tuổi. “Chúng tôi muốn con, cháu chúng tôi biết được cách cha ông mình làm ngôi nhà như thế nào. Khi tự tay làm, chúng mới hiểu và yêu ngôi nhà truyền thống của mình hơn”, theo ông A Đinh.

Ông Y Yôc Hmok, Trưởng đoàn cho biết, trong 13 người thợ Êđê ra sửa nhà lần này có 7 người cũ và 6 người mới. Trong số 6 người mới có cả con trai và em vợ của ông Y Yôc Hmok và được ông cho ra Hà Nội lần này “để chúng nó học việc như tập vuốt mây, lợp mái… chừng nào mà ba không ra được thì con cái phải ra”.

Được biết, thời gian sửa ngôi nhà sở dĩ kéo dài gần 2 tháng, bởi vì sửa nhà có nhiều công đoạn. Theo ông Y Ku Buôn Yă, một người thợ sửa nhà trong nhóm: “Trong các công đoạn thì sửa mái mất nhiều thời gian và khó nhất. Cỏ tranh phải làm sạch sẽ và cắt bớt, ngâm gốc mát nhiều thời gian lắm. Bây giờ nhà ở buôn làm mái tôn hết rồi, kiếm gỗ và cỏ tranh khó lắm”.

Là một trong những người có quá trình dài gắn bó với việc sửa ngôi nhà dài Êđê, chia sẻ tại buổi giao lưu, PGS.TS Phạm Văn Lợi - Nhà nghiên cứu, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, do sự biến đổi về kinh tế, xã hội, hiện nay không gian sống của người Êđê đã có nhiều biến đổi, như: sự biến đổi về loại hình từ nhà sàn dài xuống nhà sàn ngắn; sự biến đổi từ nhà sàn xuống nhà đất; sự biến đổi về nguyên vật liệu hay vật dụng sinh hoạt trong gia đình; sự biến đổi về không gian bên trong ngôi nhà… Do đó, việc nghiên cứu, đo vẽ, phục dựng và sửa chữa những chi tiết của ngôi nhà dài truyền thống tại Bảo tàng DTHVN cũng khá khó khăn.

Khó khăn lớn nhất mà những người thực hiện dự án sửa nhà dài Êđê gặp phải khi tiến hành sửa chữa là thiếu nguyên, vật liệu. Những loại gỗ chính để làm nhà ở Tây Nguyên hiện nay không còn, phải mua gỗ khác thay thế. Mái nhà bằng cỏ tranh, riêng phần lợp mái của nhà dài ở Bảo tàng tốn khoảng 20 tấn, nhưng hiện tại cỏ tranh ngay cả ở Tây Nguyên cũng rất khó kiếm, không đủ để lợp nhà. Rất may sau đó những người thực hiện đã tìm được những vùng cỏ tranh ở Sơn La, giáp biên giới Việt - Lào. Nhóm dự án phải đặt từng hộ gia đình ở địa phương đi kiếm cỏ tranh và cũng phải mất một thời gian dài mới có đủ để thay toàn bộ mái ngôi nhà.

Theo TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng DTHVN, việc bảo tồn những công trình kiến trúc nguyên bản của các tộc người là trách nhiệm cao cả mà Bảo tàng hướng tới. Mặc dù quá trình phục dựng, tu sửa ngôi nhà dài còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Bảo tàng vẫn kiên định với các quan niệm bảo tồn, phục dựng các ngôi nhà truyền thống trong Vườn Kiến trúc, nhất là quan điểm đề cao vai trò chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa tại Bảo tàng.

Do đó, quá trình xây dựng, sửa chữa ngôi nhà dài luôn có sự đồng hành của các chủ thể văn hóa, những người dân địa phương. Trong 13 người thợ tham gia tu sửa nhà dài lần này, có 4 người đã tham gia phục dựng, sửa nhà dài 3 lần, 3 người thợ đã tham gia 2 lần, còn lại là những người thợ trẻ mới ra lần đầu. Mong muốn của Bảo tàng là quá trình tu sửa nhà dài sẽ là cuộc truyền dạy các tri thức dân gian cho các thế hệ trẻ, nhất là giữa bối cảnh có nhiều biến đổi trong không gian sống của người Êđê hiện nay.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .