Tại Điều 7 - Nghị định 144 ngày 21/12/2021 của Chính phủ có quy định người nào báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng.
Mức phạt sẽ được tăng lên từ 4 - 6 triệu đồng đối với các tin trình báo cháy giả, sự cố, tai nạn giả hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn theo quy định tại Điều 42 của Nghị định này.
Trường hợp người này biết rõ thông tin đó là sai sự thật, nhưng vẫn bịa đặt, dựng chuyện, vu khống người khác đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền với mục đích nhằm xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người đó hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 - Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Ảnh: CA Lâm Đồng |
Theo cơ quan công an, một bộ phận người dân hạn chế về mặt nhận thức pháp luật nghĩ rằng việc khai báo tin giả, án giả sẽ không bị xử lý và có thể che giấu hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tất cả các tin trình báo của công dân đều được lực lượng Công an ghi nhận, tiến hành xác minh làm rõ thông qua các biện pháp nghiệp vụ. Do đó, ngoài công tác tuyên truyền thì lực lượng Công an sẽ điều tra, xác minh xử lý nghiêm các hành vi cố tình báo tin giả nhằm răn đe, tránh gây phiên hà cho người khác cũng như đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương.
"Người dân cần nêu cao nhận thức về vấn đề này để tránh vi phạm. Các cuộc gọi báo tin giả, báo án giả vừa gây mất thời gian của các cơ quan, lực lượng chức năng, vừa ảnh hưởng đến những người xung quanh. Có thể nó là niềm vui của một số người thiếu ý thức nào đó, nhưng hãy thận trọng vì sau niềm vui đó sẽ khiến bạn vướng vào vòng lao lý. Hãy cân nhắc với việc báo tin giả của mình", lực lượng chức năng khuyến cáo.