Cảm giác oi bức của nắng hè 38 - 40 độ C trên cả trăm km đường miền Trung thoáng chốc tan biến khi các cán bộ, phóng viên... của Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam đến những địa chỉ đỏ của vùng đất cách mạng Quảng Trị.
Tiếng thông reo, tiếng lá xào xạc trên tán bồ đề ở Nghĩa Trang Trường Sơn, tiếng chim bồ câu ríu rít trước Đài tưởng niệm Nghĩa trang Đường 9, không gian mênh mông nơi hơn 10.000 liệt sỹ yên nghỉ tràn đầy gió... khiến lòng người dịu lại, hướng tâm theo lời ngợi ca tinh thần chiến đấu, hy sinh không gợn chút riêng tư của những người lính cụ Hồ năm nào.
Dẫn đầu Đoàn công tác, Tiến sỹ, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội; Phó Tổng biên tập thường trực Đặng Ngọc Luyến; Phó Tổng biên tập Trần Đức Vinh cùng gần 70 cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam dâng hương hoa, thắp nén tâm nhang, đặt nến thơm... tỏ lòng tri ân từng mộ phần các liệt sỹ.
Tiến sỹ, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội dâng hương từng mộ phần liệt sỹ. |
Quảng Trị là chiến trường khốc liệt nhất, là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước trong 21 năm. Tỉnh này có 72 nghĩa trang liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (địa bàn xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh) lớn nhất với diện tích 140.000m², là nơi an nghỉ của hơn 10.300 anh hùng liệt sỹ của cả nước đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (km số 6, Quốc lộ 9) là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ được quy tập từ các chiến trường Quảng Trị và từ nước bạn Lào. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường số 9 là một con đường chiến lược của Mỹ - nguỵ, nối liền từ biên giới Việt - Lào về tới Đông Hà. Con đường này đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công thật hào hùng và oanh liệt.
Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm Thị xã Quảng Trị, cách QL1A chỉ hơn 1km. Trong 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, nơi đây được ví như là một túi bom, với tổng số bom đạn Đế quốc Mỹ ném xuống trong thời gian này bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử.
Những thành viên gia đình Báo Pháp luật Việt Nam lại rưng rưng bên mỗi ngôi mộ, người có tên, người chưa tìm thấy tên, đã anh dũng ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Không ít lời thì thầm trước những anh linh, vừa báo công, vừa tự hứa cố gắng để xứng đáng với sự hy sinh của các bác, các anh...
Nguyễn Sinh là phóng viên trẻ của Báo Pháp luật Việt Nam bồi hồi chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi tham dự chương trình. Hai lần đến với nghĩa trang Trường Sơn, tôi đều xúc động và nghẹn ngào khi đứng trước phần mộ của các liệt sỹ an nghỉ tại đây. Trước hàng nghìn ngôi mộ, tôi phần nào cảm nhận được sự gian khổ, sự hy sinh của các bậc cha chú và sự ác liệt của cuộc kháng chiến”.
Năm nay, chàng phóng viên này có xúc cảm mãnh liệt khi bất chợt nhận ra giữa hơn 10 nghìn ngôi mộ tại nghĩa trang này có một phần mộ liệt sỹ của người cùng quê ở Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Đặc biệt hơn, liệt sỹ này và bố của Sinh nhập ngũ lúc 19 tuổi, đi cùng một chuyến xe đưa tân binh vào đơn vị.
Sinh tiếp tục: “Bố tôi cũng chiến đấu ở mảnh đất Bình Trị Thiên này, khi chiến tranh kết thúc, bố đã may mắn hơn người đồng đội này khi được trở về với quê hương, về bên ông bà nội tôi một cách lành lặn. Hôm nay, tôi bất ngờ “gặp” đồng đội bố, càng trân trọng hơn nữa sự đóng góp và sự hi sinh của các bậc đi trước đã không tiếc sương máu, tuổi trẻ của mình để góp phần bảo vệ tổ quốc”.
Trên hành trình tri ân năm nay, Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam cũng dừng chân tại Thành phố Đông Hà (Quảng Trị), tặng quà lưu niệm lãnh đạo tỉnh và góp phần chia sẻ với những cán bộ Tư pháp còn khó khăn tại địa phương.
"Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn" của Báo Pháp luật Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, đặc biệt cá nhân Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính.
Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội trao tặng Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính bức tranh lưu niệm. |
Thay mặt đoàn công tác, Tiến sỹ, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội trao tặng Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính 1 bức tranh lưu niệm.
Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam Đặng Ngọc Luyến tặng mái ấm tư pháp cho ông Hồ Văn Lập. |
Đoàn cũng đã tặng 1 mái ấm tư pháp trị giá 50 triệu cho ông Hồ Văn Lập (36 tuổi, người Bru – Vân Kiều) cán bộ tư pháp xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị); tặng 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng cho anh Trần Hữu Thịnh, đại diện gia đình một cán bộ tư pháp phường 3, TP Đông Hà.
Anh Lập có vợ làm rẫy, con gái đầu 10 tuổi bị viêm xương tủy, dù đã qua 12 lần phẫu thuật nhưng chưa lành. Hơn 2 năm qua, con gái ông Lập phải điều trị ở bệnh viện Trung Ương Huế nên gia đình gặp khó khăn.
Anh Trần Hữu Thịnh (34 tuổi, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) là chồng của cán bộ tư pháp mới qua đời vì tai nạn giao thông. Vợ anh Thịnh là cán bộ tư pháp ở phường 3, thị xã Quảng Trị. Ngày 19/6, khi đang chở hai con nhỏ (10 tuổi và 5 tuổi), chị bị xe ben đi cùng chiều gây tai nạn, tử vong, hai con của chị bị thương.
Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Đức Vinh tặng sổ tiết kiệm cho đại diện gia đình một cán bộ tư pháp ở TP Đông Hà |
Đón nhận món quà của Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chính bày tỏ: "Tôi rất vui và xúc động khi Báo Pháp luật Việt Nam chọn một chủ đề rất hay cho hoạt động tri ân của mình là "Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn". Tôi cho rằng chuyến đi rất có ý nghĩa. Sau chuyến đi, mỗi người sẽ có những suy tư, những mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của ngành Tư pháp, của Báo. Mỗi người sẽ có mục tiêu cho sự vươn lên của mỗi cá nhân... Báo Pháp luật Việt Nam đồng hành với nhiều địa phương nhưng tôi thấy hầu như năm nào Báo cũng về với Quảng Trị, tri ân và sẻ chia với các hoàn cảnh còn khó khăn ở Quảng Trị. Là người đứng đầu chính quyền địa phương, tôi rất cảm kích trước tấm lòng và hành động thiết thực của Báo".