Hưởng ứng chào mừng sự kiện 10 năm TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cần Thơ đứng ra phối hợp cùng Báo Pháp luật Việt Nam và Trường Phổ thông Thái Bình Dương đăng cai tổ chức Hội thi “Hùng biện tiếng Anh học sinh phổ thông cấp khu vực ĐBSCL”. Thông điệp của Hội thi là “Hãy tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh”. Tham gia Hội thi hùng biện tiếng Anh ĐBSCL năm 2014 có 10 đơn vị đến từ các tỉnh ĐBSCL và TP.Cần Thơ với 7 đội THCS, 19 đội THPT.
Qua các hoạt động trong khuôn khổ Hội thi, Ban tổ chức hy vọng sẽ giúp học sinh tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, nghiên cứu, học tập các môn học khác. Về mặt ý nghĩa, Hội thi hùng biện tiếng Anh sẽ là một bổ sung quan trọng cho việc thay đổi nhận thức về phương pháp dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông. Theo đó, giáo viên và học sinh không chỉ dạy và học ngoại ngữ trên lớp theo các phương pháp truyền thống mà còn có thể dạy và học thông qua việc tổ chức các sự kiện mang tính xã hội. Ngoài ra, việc tổ chức hội thi còn để tạo cơ hội giao lưu giữa giáo viên và học sinh các tỉnh ĐBSCL với nhau nhằm trao đổi kinh nghiệm học tập, giảng dạy môn tiếng Anh giữa các địa phương thuộc ĐBSCL.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Võ Minh Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, Trưởng ban tổ chức Hội thi cho biết: “Song song với việc tổ chức cho các đội dự thi hùng biện, chúng tôi còn phối hợp tổ chức thêm một số hoạt động như: Hội chợ giao tiếp bằng tiếng Anh, hoạt động ẩm thực, gala giao lưu văn nghệ giữa các tỉnh thành, các trò chơi giáo dục kỹ năng sống, trò chơi dân gian…
Ông Võ Minh Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ |
Ngoài mục đích tạo điều kiện để học sinh có cơ hội thể hiện kỹ năng nghe, nói trong giao tiếp bằng tiếng Anh, thông qua chủ đề cuộc thi “Lifeskills - Kỹ năng sống”, chúng tôi mong muốn các em học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống để chuẩn bị cho tương lai của mình và việc rèn luyện này rất đa dạng: có thể sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống và học tập hàng ngày hoặc bằng ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng trong một số hoạt động khác”.
Nói về định hướng phát triển môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh trong thời gian tới, ông Võ Minh Lợi khẳng định: “Thời gian tới, Sở GD&ĐT thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo của Đề án ngoại ngữ đã được UBND thành phố phê duyệt. Sở sẽ thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh trong trường phổ thông với giáo viên là người bản xứ có nghiệp vụ sư phạm; đồng thời sẽ duy trì hội thi hùng biện cấp thành phố 1 lần/năm; cấp khu vực ĐBSCL 1 lần/2 năm, với các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống đa dạng và phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông hơn”.