Sở dĩ phải “khoanh vùng” và giới hạn như thế bởi nạn bạo lực tình dục xảy ra rất nhiều, đặc biệt là với bé gái, nữ bệnh nhân hoặc trong công sở, ngoài xã hội, trong thang máy và ở cả những khu vệ sinh dành cho nữ,... Và, đối với việc bạo hành này đã có pháp luật hình sự xử lý. Như thế, loại trừ hành vi hiếp dâm vợ hoặc chồng trong mối quan hệ này, tức là không có chuyện chồng hiếp dâm vợ và ngược lại theo quy định tội danh này trong Bộ luật Hình sự.
Còn trong quan hệ hôn nhân, bạo lực tình dục chỉ còn là vấn đề đạo đức và quan hệ ứng xử này được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình với nghĩa vụ vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau, kể cả việc quan hệ sinh lý.
Quan hệ tình dục ở đây là hợp pháp, hai bên có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu sinh lý của nhau, còn cách thức quan hệ thì không dẫn đến việc xử lý hình sự, cần được giải quyết ổn thỏa giữa hai người và có thể nhận sự giúp đỡ từ các đoàn thể xã hội hoặc các tổ chức bảo vệ phụ nữ.
Hành vi bạo lực tình dục thường xảy ra và rõ nhất là việc cưỡng ép phải sinh hoạt tình dục khi một trong hai người không muốn. Lý do là người đang ốm, mỏi mệt hoặc đang có việc phải suy nghĩ, hoặc ở một thời điểm không thích hợp. Hoặc, một người đòi hỏi quá nhiều, quá khả năng đáp ứng của người kia.
Có khi, người chồng vừa đánh vợ xong đã ngay lập tức đòi hỏi quan hệ với vợ, đây là đòn tra tấn tinh thần cực kỳ dã man nhưng chẳng có pháp luật nào can thiệp cả và can thiệp cũng không được khi người vợ cắn răng (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) chịu đựng.
Có trường hợp không yêu mà phải lấy thì sinh hoạt vợ chồng cũng giống như một cực hình: “Năm xưa chiếu ấy, giường này/Cắn răng, nhắm mắt, cau mày cực chưa” (thơ Nguyễn Bính). Cũng cần phải nói thêm, không chỉ phụ nữ (mặc dù chiếm phần đông) mà cũng có những người chồng bị vợ cưỡng ép tình dục đến kiệt sức chưa thôi.
Ở một phương diện khác, bạo lực tình dục thể hiện ở những “trò chơi” quái đản và bệnh hoạn mà người chồng tiến hành với vợ mình. Rõ ràng, đây là hành vi bạo lực dẫn đến sự đau đớn cho người vợ và một số trường hợp phải cấp cứu ở bệnh viện mới làm lộ sáng những chi tiết xảy ra trong phòng ngủ vợ chồng.
Một hành vi bạo lực tình dục khác gây tổn thương tâm lý nặng nề cho phụ nữ là việc “trả thù” người vợ đã mắc lầm lỗi bằng quan hệ tình dục với một sự lạnh lùng, chì chiết, bới móc quan hệ, cười cợt hoặc chê bai, hỏi han và so sánh với bạn tình của vợ. Mở ghi âm những lời thú tội hoặc hình ảnh của cuộc tình vụng trộm,...
Nếu không tha thứ được thì biện pháp tốt nhất là ly hôn và ngược lại, phụ nữ cũng chẳng nên duy trì mối quan hệ đó dù phải vì con hay bất cứ thứ gì đi nữa. Đó là chất cường toan ăn mòn, phá hủy dần dần một đời người và không có một giây phút nào được hưởng sự hạnh phúc ân ái vợ chồng mà tình dục mang lại nữa. Đây là cách hành xử xảy ra trong giới trí thức mà không ít ví dụ từ cuộc sống.
Ở một trạng thái khác, hành vi “không làm gì”, “treo giò” cũng được coi là một phương cách bạo hành tình dục. Chồng hoặc vợ vẫn ngủ chung giường, thậm chí có những tác động kích thích tình dục mà không hề quan hệ tình dục dẫn đến những ức chế hết sức khó chịu cho người bạn đời. Đó cũng là một sự “trả đũa” và tất nhiên hôn nhân chỉ còn hình thức và vỏ bọc bên ngoài mà thôi.
Điều này cho thấy, bạo hành tình dục không chỉ là việc dùng vũ lực hoặc xảy ra ở những người chồng thô bạo và ích kỷ mà có thể xảy ra ở bất cứ giới nào, trong đó có cả những người đạo mạo, có cương vị trong xã hội, người ngoài cứ tưởng là một người chồng đáng kính và mẫu mực.
Việc bạo hành tình dục sẽ được hạn chế rất nhiều nếu nạn nhân có thái độ phản ứng tích cực và mở lòng để nhận sự trợ giúp từ người thân và các lực lượng xã hội. Ai cũng biết tình dục là yếu tố không thể thiếu trong hôn nhân và sự thăng hoa của nó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống vợ chồng. Tạo ra một sự hòa hợp tình dục không phải là chuyện quá khó, nếu như còn tình yêu.