Mới hôm qua, báo chí lại đưa tin chỉ vì bị thầy giáo nhắc nhở cách ngồi học mà một học sinh ngỗ ngược đã dùng cây tầm vông đánh thầy ngay trên bục giảng làm thầy phải nhập viện. Xin giới thiệu bài viết của độc giả Giang Phương (TP HCM) về vấn đề này.
Dư luận lo lắng nhiều hơn khi môi trường giáo dục bị “ô nhiễm” bạo lực trầm trọng. Bạo lực học đường dễ dàng diễn ra phải chăng chỉ vì chữ “quen”?
Chuyện học sinh đánh lộn là chuyện nhỏ, quá đỗi bình thường đối với nhà trường? |
Tôi có đứa em họ đang học lớp 6 ở một trường thuộc quận 8, TP HCM. Mỗi ngày đi học về là nó kể một câu chuyện trong trường. Có hôm là cô bạn lớp 6 bị mấy “đàn chị” lớp 9 đánh vì để tóc “sốc” hoặc do mặc đồ…“lướt” mấy chị. Có hôm là chuyện một bạn trong trường bị đánh trong nhà vệ sinh vì tội thấy “chị” mà không chào. Ngày nào đứa em tôi cũng có chuyện đem về nhà kể nên cả nhà nghe riết thấy quen. Cha mẹ của đứa em tôi thường chỉ dặn con bé qua loa là đừng đụng chạm gì với tụi học trò như vậy.
Trong một bài báo gần đây (2/4), khi phóng viên một tờ báo đến tiếp xúc với Ban giám hiệu Trường THCS Lê Lai (quận 8) thì một cô giáo hỏi ngược: “Nhà báo hả? Nhà báo rảnh ghê! Chuyện học sinh đánh lộn là chuyện nhỏ, quá đỗi bình thường. Có gì đâu mà báo chí cứ um xùm”. Đó lại là một câu chuyện nhìn riết rồi quen mà chính những người trong cuộc thừa nhận. Với học sinh, khi thấy các bạn đánh nhau thì một nhóm khác vui vẻ ngồi xem hoặc lấy máy ra quay phim. Các bạn không nghĩ mình có lỗi bởi chuyện quá quen rồi, trước đó đã có nhiều clip như vậy mà có ai bị gì đâu.
Phải chăng, chính sự hờ hững đó đã khiến cho những người trong cuộc hình thành cảm giác “quen”? Chính những cái “quen” như thế vô tình cổ xúy cho những hành động “quá quen”? Giờ đây, khi báo chí đưa thêm tin tương tự, đôi người đọc tin, đôi người suy nghĩ một chút rồi lại chép miệng “Trời ơi, trường học gì mà toàn đánh nhau!”. Rồi lại thôi. Riết rồi quen.
Theo Giang Phương
Đất Việt