Đó là những câu hỏi được đặt ra cho những “người trong cuộc, những nhà quản lý, những chuyên gia giáo dục tại buổi tọa đàm “Bạo lực học đường - Góc nhìn thẳng” tổ chức mới đây…
Thầy cô thiếu… dũng cảm
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, từ những vụ việc trong thời gian qua cho thấy, sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra ở mỗi học sinh mà diễn ra ở cả giáo viên, phụ huynh. Bà Minh cho rằng, qua việc phản ánh của nữ sinh Phạm Song Toàn, chúng ta phải tháo gỡ tận gốc vấn đề và phải giữ em Phạm Song Toàn ở lại trường vì không thể để cái xấu lấn át cái tốt. Bà Minh cũng cho rằng, tất cả tình huống diễn ra trong thời gian gần đây là những hiện tượng cho xã hội nhìn thấy sự lệch chuẩn trong trường học. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải có những giải pháp sâu xa, giải quyết căn cơ bản chất của vấn đề để tháo gỡ.
TS Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: “Trong các vụ việc cụ thể gần đây, tôi khẳng định có ảnh hưởng của xã hội và nhà trường. Tôi không đồng ý với ý kiến đạo đức xã hội đang xuống cấp vì đây chỉ là một bộ phận nhỏ. Ông Lâm cho rằng, nhà trường phải đề cao dân chủ, tự chủ để họ được phép chọn giáo viên lẫn quản lý trong nhà trường. Trong vụ việc giáo viên “im lặng 3 tháng” ở TPHCM đừng nói hiệu trưởng không biết, bởi với tư cách là người đứng đầu, hiệu trưởng phải có trách nhiệm”.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc bạo hành xuất phát một phần từ xã hội và việc ứng xử của giáo viên thiếu chuẩn mực, chưa làm gương cho học sinh. Ngoài ra, các trường học chưa phát huy hết được vai trò dân chủ. Nếu thầy trò nói chuyện được với nhau đã không xảy ra những đáng tiếc như vậy. Và nếu em Phạm Song Toàn được biểu dương, tôn vinh tại chính ngôi trường đó em đã không phải chuyển trường tức tưởi đến vậy.
Còn cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), cho rằng vụ việc cần phải nhìn nhận từ cả hai phía. Các thầy cô vẫn mang nặng tâm lý quan trọng việc dạy chữ nhưng chưa ý thức được việc phải làm gương cho các em. Giáo viên phải biết lắng nghe, chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của học sinh, từ đó giải quyết mâu thuẫn trong quá trình dạy và học. Về phía Phạm Song Toàn, em lên tiếng vì quyền lợi chung của lớp, thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận, nhưng nên đúng quy trình.
Ở góc độ khác, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT bày tỏ: “Việc em Phạm Song Toàn chuyển trường có thể xuất phát từ tâm lý ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, tâm lý chung của người Việt. Đương nhiên, nếu trường kịp thời động viên, kết cục có thể đã khác. Dù vậy, sự việc em Phạm Song Toàn chuyển trường cũng cho thấy nhiều vấn đề đang tồn tại trong ngành giáo dục nước ta. Phản ánh của em chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt tới thương hiệu của trường. Và đáp lại, trường không thừa nhận thất bại. Phải chăng giáo viên đang thiếu lòng dũng cảm đối mặt sai lầm của bản thân? Không riêng vụ việc của nữ sinh TP.HCM, hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây cho thấy còn tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của không ít giáo viên”.
Và có lẽ vì thế, sự việc diễn ra gần đây nhất, tại Trường Mầm non 30/4, phường Bến Nghé, quận 1 TPHCM, về clip cô giáo quát mắng học sinh là “người hay là thú”, cô Hiệu trưởng rất tiếc vì cô giáo Trần Bích Ngọc đã có những hành vi không chuẩn mực khiến xã hội và dư luận lên án. Nhưng đồng thời cô Hiệu trưởng cũng khẳng định cô Ngọc có 30 năm trong nghề, là giáo viên giỏi cấp quận và sắp về hưu, nên tỏ ý muốn được nương nhẹ… Điều đáng nói, tất cả mọi sự việc chỉ khi xảy ra rồi mới được giải quyết theo hướng sự vụ, thậm chí “ lưu hành nội bộ” càng kín càng tốt, bởi lo ảnh hưởng tới thành tích của nhà trường…
Ảnh từ inter net |
Sẽ tuyển chọn khắt khe
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Bộ GD-ĐT luôn xác định đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, Bộ đang tăng cường đội ngũ, nâng cao chất lượng trường sư phạm, trong đó có cả việc siết chặt đầu vào. Bên cạnh đó, Bộ sẽ có quy định để tuyển chọn những người có năng lực, đào tạo chú trọng chuyên sâu trình độ vừa đào tạo chuẩn cả đạo đức sư phạm. Ngoài ra, các quy chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý cũng cần sửa đổi, hoàn thiện.
Ngoài ra, sau những vấn đề nảy sinh khiến dư luận băn khoăn về năng lực, đạo đức nhà giáo, Bộ cũng lưu ý hơn đến công tác đối thoại giữa học sinh, giáo viên, nhà trường. Bà Nghĩa cho hay bộ sẽ rà soát các văn bản, điều lệ, quy chế, hoàn thiện các chuẩn nhà giáo, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và quan trọng là sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời yêu cầu các địa phương lập đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến, vấn đề do học sinh, phụ huynh, giáo viên phản ánh.
Song song với đó, công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cần được đẩy mạnh để học sinh hiểu và có kỹ năng ứng xử phù hợp. Theo bà, việc học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng cho thấy các em đang thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân. Vì vậy, công tác xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cần được chú trọng, tránh lặp lại những chuyện đáng tiếc tương tự.
Có thể nói, cùng với những việc được giải quyết theo sự vụ, điều quan trong hơn cả là người thầy có thực sự yêu nghề hay không? Khi mà với những vụ việc như vết dầu loang, những người thầy này đã tước đi hạnh phúc, tình yêu thương của mình. Đó là sự thân thiện, yêu quý của học trò sẽ theo mãi cùng thời gian. Đó là những giá trị vô giá mà chỉ người thầy đúng nghĩa mới có. Người thầy đó, họ không phải làm những gì quá cao siêu, mà chỉ cần tận tâm, lắng nghe, tôn trọng, yêu quý, độ lượng với học trò mình. Sự cao thượng, những cái ôm, giọt nước mắt chia sẻ… khi người thầy mang tất cả tấm lòng và trái tim với nghề, họ sẽ nhận lại hơn thế rất nhiều. Mà không cần tới quá nhiều những chế tài hay mệnh lệnh hà khắc…
Trong một bài báo cáo mới đây của Phó GS.TS Nguyễn Thế Hữu nguyên Giám đốc ĐH Huế cho rằng nhiệm vụ giáo dục trước hết phải đào tạo ra những con người có đầy đủ nhân cách, con người có lòng tự trọng, trung thực, nhân hậu, biết trọng danh dự, nghĩa khí… Nhưng vô cùng ngạc nhiên năm qua và cho đến bây giờ, giáo dục chúng ta không nhắc đến phẩm chất cao thượng của con người. Ông đề cập đến tình trạng báo động, suy thoái hiện nay và đặt câu hỏi: Vì chúng ta quên hay vì chúng ta không còn lòng tin con người có thể cao thượng?...
Chất lượng phải song hành với đãi ngộ
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đối với nhà giáo phải làm đồng bộ cả ba khâu: đào tạo, đánh giá và tuyển chọn giáo viên. “Tôi muốn kiến nghị thêm, chúng ta phải phát huy nội lực nhà giáo trong điều kiện lương chưa tăng, đãi ngộ chưa cải thiện. Đó là làm sao khơi dậy lòng yêu nghề trong nhà giáo. Khi đã có điều kiện, quan điểm của tôi không phải nâng lương đồng loạt, mà chỉ những giáo viên nào đáp ứng được các yêu cầu sẽ được đãi ngộ tốt hơn”. theo TS. Lâm.
Đồng thời, xét về kinh phí đào tạo giáo viên, theo bà Ngô Thị Minh đào tạo tuyển dụng giáo viên phải gắn với vấn đề đãi ngộ. “Chúng ta phải đặt câu hỏi, liệu 20% ngân sách nhà nước có đủ để trả lương hết cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước hiện nay hay không? Chính sách đối với những cơ sở ngoài công lập có được công bằng bình đẳng, để thu hút các thầy cô vào giảng dạy ở các trường này hay chưa?
Nếu Nhà nước chỉ phải trả lương cho những giáo viên công lập, và xã hội trả tiền cho các giáo viên ngoài công lập, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết, đãi ngộ cho giáo viên tốt hơn, tránh được tình trạng quá tải giáo viên và học sinh…
Tôi nghĩ, lương các nhà giáo phải được xếp cao hơn trong bảng lương công nhân viên chức Nhà nước. Đây là vấn đề lớn, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này mới có thể đặt ra các vấn đề khác. Tôi muốn nói thêm về vấn đề bạo lực học đường, tôi nghĩ nhiều tồn tại cần phải được giải quyết. Chúng ta muốn tuyển nhà giáo, chúng ta phải đặt mình vào vị trí của nhà giáo, xem xét các quy định cũ còn phù hợp trong giai đoạn đổi mới này không. Những nhà giáo không đáp ứng được sự thay đổi, phải nhường chỗ cho những giáo viên trẻ có năng lực hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao kiến thức cho phụ huynh, để họ thấu hiểu học sinh và cả giáo viên”.