Trên giá sách nhà tôi có những ngăn lớn, trong đó, sách thiếu nhi được dành những vị trí trang trọng nhất. Tôi gọi đó là “góc trẻ thơ”. Đó, không hẳn là những quyển sách chỉ dành riêng cho bọn trẻ đọc.
Những quyển sách ấy tôi đã đọc từ lúc nhỏ, đọc đến lớn lên, rồi mỗi năm mỗi tháng, bộ sưu tầm ấy càng dày thêm. Đó đều là những tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển, cổ điển hay hiện đại của Nhật Bản, Bắc Âu, của cả Việt Nam… mà cả người lớn và trẻ nhỏ đều nên đọc.
Ở trẻ, chúng hiểu lớp nghĩa ngây thơ của trẻ con. Với người lớn, đó là những bài học về cuộc đời ẩn nấp trong câu chuyện về con trẻ. Nhưng quan trọng hơn, người lớn cũng cần đọc sách trẻ con để hiểu trẻ con hơn, để luôn luôn tâm hồn mình một đứa trẻ thơ, dù đã trưởng thành hay tóc bạc, da mồi. Tôi dành những quyển sách ấy cho riêng mình và cho những đứa trẻ chung quanh mình.
Tôi trồng nhiều cây hoa trước, trong và sau nhà. Có những buổi, tôi chỉ ngồi lặng im để ngắm những cái lá, ngọn cây, ngắm con bướm nhỏ nô đùa trên bông hoa, hay con mèo chạy tung tăng vờn với con bướm. Tôi gọi đó là những phút “trở lại chính mình”. Hoàn toàn thoát khỏi những bài vở, công việc hay deadline. Trở lại là một đứa trẻ hồn nhiên yêu cây cỏ.
Tôi thường có những cuộc phiêu lưu hay viết nên câu chuyện nhỏ ngay trong đời sống chính mình. Đó là khi tôi đi trên đường và lắng nghe những câu chuyện đời những người tài xế và thầm ghi những câu chuyện ấy vào tâm trí bằng những nét phác thảo thú vị.
Hay trên con đường tôi về nhà, lấp lánh vui khi thấy một con mèo đang chạy đuổi theo một con chó đầy sợ hãi, một cậu bé dắt bà cụ qua đường, ông cụ già ngồi trong công viên gảy đàn guita… Đời sống thật đẹp vì tôi nhìn nó bằng cặp mặt trẻ con, nhìn để mà vui, không suy diễn, không mang theo lo toan hay hiểu biết - đôi khi lệch lạc của những người lớn.
Người ta thường thức dậy vào buổi sáng, vội vàng ăn - hoặc bỏ - bữa sáng để đến chỗ làm, sau một ngày mệt nhọc, người ta lê bước trở về, đóng sầm cánh cửa sau lưng, hoặc ngồi ở quán nhậu “xả stress”. Người ta vùi đầu vào các dự án kinh doanh, những con số lớn nhỏ, những áp lực doanh số hay niềm kiêu hãnh ngày một thành đạt.
Đôi khi người ta sống một cuộc đời đầy say mê, niềm say mê tận hưởng của những người trưởng thành. Tiền bạc, giải trí, hưởng thụ, tình yêu, tình dục… quá nhiều phiền não và thú vui. Có lúc người ta dừng lại vì mệt mỏi và thấy mình trống rỗng. Nhưng sẽ luôn luôn không thể lấp đầy, nếu người ta không nuôi dưỡng trong mình một góc tâm hồn của đứa trẻ con.
Để hồn nhiên ngắm nhìn hoa cỏ, hồn nhiêu yêu thương những người, những vật chung quanh, để thấy một tia nắng len qua lá cũng là một ngỡ ngàng của tạo hóa, ngẩng mặt nhìn cụm mây cũng thấy những hình ảnh vi diệu do trí tưởng tượng bay bổng tạo thành, một nụ cười thoáng qua đâu đó trên đường cũng rất đỗi thương yêu.
“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”, người nhạc sĩ họ Trịnh nói thế trong bài hát của mình. Một nụ cười hồn nhiên đem lại cho tâm hồn người ta tia nước mát hơn bất cứ nụ cười nào khác. Một ánh mắt hồn nhiên là một thấu kính lọc đi những bụi bặm cuộc đời. Một trái tim hồn nhiên sẽ luôn yêu thương, chia sẻ, chữa lành. Hồn nhiên giúp người ta vô nhiễm. Không trẻ thơ, làm sao có được hồn nhiên?
Đôi khi, hãy lắng lòng mình lại, tự hỏi rằng, bao lâu rồi ta không trẻ thơ?