Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), đơn vị do Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) nắm quyền chi phối, hôm 22/8/2012, đã chính thức bổ sung thêm nghề mới: kinh doanh đất.
Theo báo cáo tài chính, nợ mà PVI phải trả là hơn 4.970 tỷ đồng |
Trong khi đó, liên quan đến việc tái cơ cấu PVN, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về đề án tái cơ cấu tập đoàn này.
Theo đó, PVN cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV, thu gọn đầu mối để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn gồm: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng cũng cho biết, PVN hoàn chỉnh đề án án tái cơ cấu tập đoàn, trong đó cần xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn.
Đối với việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên, Thủ tướng cho phép PVN được duy trì Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí dưới hình thức công ty cổ phần và Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau. Tập đoàn này cũng được phép thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau khi có đủ điều kiện.
Trong lần trả lời báo chí mới đây, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, ông Phùng Đình Thực cho hay, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của PVN hiện nay chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến 2015, PVN sẽ thoái vốn hoàn toàn ở những lĩnh vực không phải cốt lõi.
Cũng theo ông Thực, hai trường hợp đặc biệt mà PVN đề xuất đề xuất không thoái vốn hoàn toàn là tại PVFC và PVI. Tuy nhiên, đối với PVI, Thủ tướng đồng ý cho PVN nắm giữ vốn tại tổng công ty này tối đa không quá 35%.
Nguồn tin từ PVI xác nhận, cuối tháng 8 vừa rồi, Hội đồng quản trị PVI đã ra nghị quyết nhằm bổ sung thêm ngành nghề mới là kinh doanh bất động sản. Lý do thêm ngành mới, một cán bộ tại PVI xác nhận là “theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, giới chuyên gia về kinh tế nhận định, việc PVI bổ sung thêm “hạng mục” bất động sản trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng như hiện nay chỉ để cho “đủ”. Bởi, thế mạnh của PVI là kinh doanh dịch vụ tài chính, bất động sản chắc chắn không phải là thế mạnh của họ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2012 của PVI, thì tổng tài sản của doanh nghiệp này tính đến 20/6/2012 là hơn 10.342 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ mà PVI phải trả là hơn 4.970 tỷ đồng. Riêng số nợ ngắn hạn được xác định là 4.968 tỷ.
Hiện nay, PVI sở hữu 100% vốn tại 2 công ty con, đồng thời doanh nghiệp này cũng có đến 7 công ty liên kết.
Thông điệp của Tổng giám đốc PVI, ông Bùi Vạn Thuận, phát ra mới đây, cho thấy, năm 2012, dù dự báo thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng PVI vẫn đặt mục tiêu doanh thu trên 6.453 tỷ đồng, tất cả các chỉ tiêu tăng trưởng so với năm trước 25-30%. Đồng thời, tiến hành quá trình cổ phần hóa các công ty thành viên.
Trong năm 2012, dự kiến cổ phần hóa Công ty Tái Bảo hiểm và 2013 là cổ phần hóa Tổng Công ty Bảo hiểm PVI. Thông điệp của người đứng đầu PVI cho biết “mục tiêu của PVI đến năm 2015 phải đạt doanh số là 1 tỷ USD”.
Việt Hưng