So với Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, thì các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của DN bảo hiểm trong Dự thảo đã được thu hẹp hơn, tuy nhiên, theo VCCI – đại diện của cộng đồng DN Việt Nam, các trường hợp quy định tại Điều 7 vẫn còn khá rộng và có một số trường hợp cần được đánh giá lại.
Theo đó, các trường hợp tài sản bị thiệt hại do cháy nổ xuất phát từ yếu tố bản chất của tài sản (tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt) hay lỗi của bên mua bảo hiểm (hành động cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ; hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm nhằm mục đích đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm), DN bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm bảo hiểm là hợp lý.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp do nguyên nhân khách quan, nằm ngoài ý chí chủ quan của người mua/thụ hưởng bảo hiểm được xếp vào trường hợp miễn trách nhiệm cho DN bảo hiểm dường như chưa hợp lý.
Ví như, liên quan đến “những thiệt hại do cháy, nổ gây ra cho bên thứ ba” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 7, thì điểm e khoản 1 Điều 17, Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định DN bảo hiểm có quyền “yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà DN đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản”. Như vậy, với quy định này thì DN vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng bảo hiểm trong trường hợp do bên thứ ba gây ra và sẽ được bảo vệ quyền lợi bằng quyền truy đòi bên thứ ba. Do đó, xác định trường hợp này thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là chưa phù hợp.
Hoặc “nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ” nêu tại điểm đ khoản không xác định rõ trường hợp này “nguyên liệu vũ khí hạt nhân” là đối tượng được bảo hiểm hay là nguyên nhân gây ra cháy nổ cho các tài sản khác?
Trong khi đó, điểm e khoản 1 quy định trường hợp “thiệt hại xảy ra đối với máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện do chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện hay rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh”, nhưng trường hợp này thuộc trường hợp miễn trách cho DN bảo hiểm chỉ hợp lý khi các thiệt hại trên xuất phát từ nguyên nhân lỗi của người mua/thụ hưởng bảo hiểm. Còn “bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh” có thể là những nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của người mua/thụ hưởng bảo hiểm, chính là những rủi ro cần được bảo hiểm, được xác định thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là chưa hợp lý.
VCCI cũng cho rằng, các nguyên nhân xuất phát từ thiên nhiên (động đất, núi lửa phun hay những biến động khác của thiên nhiên – điểm a khoản 1), bất ổn chính trị (biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội – điểm l khoản 1) được xếp vào trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là chưa hợp lý, bởi vì đây là những trường hợp nằm ngoài tầm kiểm soát của bên mua/thụ hưởng bảo hiểm, cũng là những nguyên nhân chủ yếu thường gây ra cháy nổ trên thực tế và là lý do chính để pháp luật buộc các chủ thể này phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Theo VCCI, việc Dự thảo xác định phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quá rộng, trong đó bao gồm cả những trường hợp nguyên nhân dẫn tới sự kiện bảo hiểm không xuất phát từ lỗi của bên mua bảo hiểm sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ khi xảy ra việc cháy, nổ gây thiệt hại. Từ góc độ quản lý Nhà nước, việc xác định quá nhiều các trường hợp miễn trách nhiệm cho DN bảo hiểm sẽ khiến cho mục tiêu phòng ngừa rủi ro, bảo đảm cho các đối tượng bị thiệt hại, bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội của cơ chế bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc khó đạt được. Trên thực tế, nếu loại trừ hết tất cả các trường hợp này thì số trường hợp có thể được chi trả bảo hiểm trách nhiệm sẽ là rất hạn chế, hầu như không có ý nghĩa gì trong việc bảo vệ lợi ích của các chủ thể bị thiệt hại do cháy, nổ. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng vô hiệu hóa ý nghĩa và căn cứ của quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: chủ thể bắt buộc phải mua bảo hiểm nhưng không thể được nhận tiền bảo hiểm không phần lớn các trường hợp.
Vì thế, trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định này, VCCI đã đề nghị cân nhắc, xem xét sửa đổi quy định tại Điều 7 theo hướng: chỉ xác định các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của DN bảo hiểm khi các thiệt hại tài sản xuất phát từ lỗi cố ý của bên mua/thụ hưởng bảo hiểm và do bản chất tự nhiên của tài sản.