Tối 29/3, một bức thư đánh máy được cho là của ông Chen Lai Shih Kuan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kwong Lung – Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc, Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã được gửi đến công luận.
“Thay mặt Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Kwong Lung - Meko, chúng tôi thành thật xin lỗi đến tất cả mọi người vì những sơ suất trong công tác phòng cháy chữa cháy, đã dẫn đến hỏa hoạn nghiêm trọng tại công ty và gây ra ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, sinh hoạt của khu vực xung quanh công ty, cũng như làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo các cấp cùng lực lượng phòng cháy chữa cháy…”, thư viết.
Ông Chen Lai Shih Kuan cũng đã gửi lời xin lỗi đến chính quyền, người dân địa phương - bà con khu dân cư khu vực 4 phường Trà Nóc và các vùng lân cận đã bị ảnh hưởng do sự cố này, xin lỗi cả lực lượng cứu hỏa… vì những rắc rối của vụ cháy làm phiền đến mọi người. Ông cũng cảm ơn tất cả những người đã chia sẻ, giúp đỡ công ty trong những ngày bị hỏa hoạn.
Bức thư gửi lời xin lỗi và cảm ơn sau vụ cháy của ông Tổng giám đốc người Đài Loan 65 tuổi, dù Công ty còn ngổn ngang và phải lo khắc phục sự cố, khiến nhiều người tò mò muốn biết thêm về ông.
Ngoài tấm lòng ông, người ta thấy toát lên văn hóa của một con người sinh ra trong nền văn minh công nghiệp.
Nhìn người ứng xử, ngẫm đến chúng ta, không khỏi chạnh lòng.
Khi biết nói lời xin lỗi, chúng ta đã có ý thức đặt hành động của mình trong mối tương quan với người xung quanh. Trong một xã hội tự do, chúng ta được làm những gì mình muốn, với điều kiện điều đó không ảnh hưởng đến quyền được hưởng tự do tương tự của người khác. Con người cùng sống trong một hệ sinh thái kết nối mật thiết với nhau, bởi vậy chỉ khi biết “nhìn nhau mà sống” chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường sống lành mạnh và hài hòa.
Đáng tiếc, trong cuộc sống nhiều vụ bạo lực đã xảy ra thay cho lời xin lỗi
Trong bộ máy công quyền, dù ít nhiều đã có nhưng lời xin lỗi của cán bộ khi làm sai còn quá “nhọc nhằn”. Việc xin lỗi của công chức chưa được xem là hành động đương nhiên của những người hưởng lộc dân, có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ cho dân và vì xã hội phát triển. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là người lãnh đạo vẫn luẩn quẩn với vòng tròn làm sai, xin lỗi, kiểm điểm,và rút kinh nghiệm.
Lời xin lỗi sẽ khởi đầu cho sự thay đổi cung cách làm việc của cơ quan công quyền, tất nhiên phải thành tâm chứ không “diễn”, xin lỗi theo “quy trình”. Thái độ thể hiện bằng hành động và hành động khởi đầu đơn giản nhất chính là lời xin lỗi.
Bao giờ “xin lỗi” trở thành văn hóa ở Việt Nam? Không lẽ phải chờ ban hành “Luật Xin lỗi”?