Tối 2/4, thông tin về vụ án mạng xảy ra tại một phòng trọ trên địa bàn TP Thái Nguyên dẫn đến 2 người tử vong, gồm một nam và một nữ làm xôn xao dư luận. Theo thông tin ban đầu, một nam thanh niên quê ở Sóc Sơn, Hà Nội lên Thái Nguyên vào phòng trọ thăm bạn gái. Tại đây hai người có xảy ra mâu thuẫn vì ghen tuông. Sau đó, người này đã ra tay sát hại bạn gái rồi tự tử.
Trước đó, ngày 1/4 một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực đường Tôn Đức Thắng, phường Đông Thành, TP Ninh Bình. Vào khoảng thời gian trên, người dân đi đường nhìn thấy một một đôi nam nữ giằng co nhau trên xe ô tô. Sau đó, người phụ nữ mở cửa xe chạy ra đường kêu cứu và bị nam thanh niên trên xe cầm kéo đuổi theo đâm nhiều nhát vào ngực, cổ khiến người phụ nữ tử vong tại chỗ.
Nạn nhân được xác định là chị H. trú tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Đối tượng đâm chị H. là N. trú cùng địa chỉ. Giữa N. và chị H. có quan hệ tình cảm với nhau. Cũng trong ngày 1/4, một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực đường 14, Khu Công nghiệp VSIP Hải Phòng, thuộc xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên.
Nạn nhân và thủ phạm từng làm việc chung ở một công ty tại Khu Công nghiệp VSIP Hải Phòng và có quan hệ tình cảm nam nữ. Tuy nhiên, thời gian gần đây giữa hai người phát sinh mâu thuẫn và kết quả là cô gái đã bị chính người yêu mình dùng dao bầu sát hại…
74% nữ sinh thừa nhận từng bị người yêu bạo lực
Đây không phải là ba vụ cá biệt trong tình trạng bạo lực hẹn hò xảy ra ngày càng nhiều hiện nay. Trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những đoạn phim ghi lại hình ảnh các cặp tình nhân đánh nhau ở nơi công cộng. Có trường hợp nam thanh niên đập mũ bảo hiểm vào đầu người yêu, đá, lên gối vô cùng dã man, khiến người xung quanh bất bình.
Điều đáng nói là các nạn nhân (chủ yếu là phái nữ) trong những vụ việc này thường có thái độ nhẫn nhịn đến khó hiểu. Ví dụ như vụ đôi tình nhân đánh nhau như kẻ thù xảy ra ở khu vực ngã tư đường An Dương Vương và Võ Văn Kiệt (Q.Bình Tân, TP HCM).
Mặc dù cô gái bị người yêu của mình đấm vào mặt, đá vào người liên tục, dùng thanh sắt đánh mạnh vào người, vừa đánh, nam thanh niên vừa chửi rủa thô tục, nhưng cô gái vẫn cho biết khó mà bỏ được vì yêu khó dứt ra.
Một khảo sát do thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam thực hiện tại TP HCM dành cho các nữ sinh THPT và CĐ, ĐH cho ra kết quả bất ngờ: 74% nữ sinh thừa nhận từng bị người yêu bạo lực, đánh đập. Không ít trong số này dù bị "lên bờ, xuống ruộng" bởi những trận đòn của người yêu vũ phu nhưng vẫn chấp nhận yêu tiếp sau những lời xin lỗi.
"Dù vừa chịu một trận đòn nhừ tử, nhưng chỉ cần người yêu nài nỉ là các cô gái cười vui ngay tức khắc và… yêu tiếp. Lý do có thể các cô gái yêu mù quáng nên mất cả lý trí. Cũng có thể do những sự ràng buộc về nhiều chuyện riêng tư hoặc nhiều cô gái cũng nghĩ rằng mình là phận con gái nên phải biết nhẫn nhịn. Dù bị đánh đập nhưng vì yêu nên nhịn và nhắm mắt cho qua để tiếp tục”, bà Thương phân tích.
Bạo lực hẹn hò – khái niệm ít người biết
Ở Việt Nam mọi người thường chỉ nói đến bạo lực gia đình, còn bạo lực hẹn hò chưa bao giờ được nhắc tới và chưa có một nghiên cứu chính thức về vấn đề này. Chính vì thế năm 2015, nhóm Y.Change (Phụ nữ trẻ tạo ra thay đổi) với hỗ trợ của UN Women đưa ra khi tiến hành nghiên cứu bạo lực hẹn hò trong hai năm (2014-2015).
Đối tượng tham gia là 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18 - 30. Kết quả, gần 59% người được hỏi cho biết đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay.
Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thân thể hoặc tinh thần, thậm chí hơn 6% trong số đó đã từng muốn tự tử. Đặc biệt, phụ nữ có xu hướng chịu bạo lực thể xác nhiều hơn.
Một lời tự sự của cô gái là nạn nhân của bạo lực hẹn hò. |
Qua nghiên cứu, Y.Change đã chỉ ra 6 loại bạo lực hẹn hò gồm: Bạo lực thể xác; bạo lực kinh tế; bạo lực tinh thần; bạo lực qua công nghệ thông tin; bạo lực tình dục; đeo bám sau khi chia tay.
Trong bạo lực thể xác, những hành vi bạo lực gây thương tích nặng như: bóp cổ, dùng vũ khí... do nam giới gây ra nhiều hơn cho bạn tình. Với các dạng bạo lực gây thương tích nhẹ như cấu, tát, cắn, ném đồ, nữ giới gây ra cao gần gấp 2 lần.
Đáng chú ý là nam và nữ đều bị bạo lực tinh thần ngang nhau với các hành vi: kiểm soát, bắt báo cáo, ghen tuông; tỏ ra coi thường, xúc phạm người yêu, gia đình người yêu; cố tình làm người yêu xấu hổ vì bản thân… Mặc dù e ngại không muốn chia sẻ về hình thức bạo lực tình dục, nhưng đã 5 người cho biết đã bị quay phim, chụp ảnh trộm, 7 người bị cưỡng ép tham gia vào các loại hình tình dục không mong muốn.
Còn theo bà Lê Thị Dương Thương thì bạo hành là yếu tố thuộc về hành vi và nguy cơ trở thành thói quen. Nếu đã đánh được lần thứ nhất, chắc chắn sẽ có lần thứ hai và nhiều lần sau nữa. Bạo lực hẹn hò chính là mầm mống của bạo lực gia đình và giải quyết được tận gốc cái này thì cái kia cũng sẽ chấm dứt.
"Để tự bảo vệ bản thân trước nạn bạo hành trong tình yêu, thì khi bắt đầu một mối quan hệ, hãy tìm hiểu thật kỹ, xem người đó có những dấu hiệu của bạo hành như: Không tôn trọng người yêu, thể hiện sự chiếm hữu trong tình yêu... hay không. Nếu có, hãy dừng lại chứ đừng cam chịu, chấp nhận yêu một người vũ phu, vì điều đó có thể khiến cuộc sống của bạn sau này trở nên tăm tối" - bà Thương khuyên.