Đau lòng mộ cổ bị đập phá
Sáng 19/11/2017, Hội đồng Trị sự tộc Nguyễn Phúc tại Huế phát hiện lăng mộ mẹ Vua Dục Đức bị kẻ gian đào tung nhà bia, di chuyển bia đá và chân bia đá ra ngoài. Đế và thân của bia bị kẻ xấu đập phá làm gãy rời. Ngôi mộ nằm trong vùng đồi núi phía Tây Nam thuộc phường Thủy Xuân. Phía ngoài lăng mộ có vòng thành bao quanh với 2 cửa vào.
Tấm bia bị kẻ gian đào lên đưa ra khỏi nhà bia cùng với đế bia có ghi chữ “Hiển Tỉ Kiến Thụy Quận Vương Phủ Thiếp Đệ Thất Phòng Trần Nhị Nương Thụy Trang Thuận Chi Tẩm” (Đây là bia do người con làm cho mẹ đã mất nguyên là vợ thứ bảy thuộc phủ Kiến Thụy Quận Vương, người mẹ này họ Trần, sau khi mất được phong thụy là Trang Thuận”.
Bà Trần Thị Nga mất năm 1911, là vợ cuối cùng (thứ bảy) của ngài Kiến Thụy Quận Vương, thân sinh Vua Dục Đức, là bà nội của Vua Thành Thái và là bà cố nội của Vua Duy Tân. Sự việc lăng mộ mẹ Vua Dục Đức bị đào phá, xâm hại khiến nhiều người trong đó có con cháu tộc Nguyễn Phước không khỏi bức xúc đề nghị làm rõ sự việc.
Trước đó, giữa tháng 6, Thừa Thiên - Huế xuất hiện thông tin lăng mộ bà Mỹ Phi (vợ Vua Tự Đức) bị đơn vị thi công san ủi để thực hiện dự án bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hóa. Liên quan đến vụ bia mộ nghi của phi tần triều Nguyễn bị san phẳng, Hội đồng Trị sự tộc Nguyễn Phước đã yêu cầu phải khôi phục lại mộ ngay vị trí cũ theo đúng như điển chế của triều Nguyễn, quy định về tẩm mộ của các phi tần theo thứ bậc trong cung ngày xưa. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại đề xuất di dời phần mộ này sang khu vực cách đó khoảng 200 mét để tiếp tục thi công bãi đỗ xe.
Việc mộ cổ bị xâm hại không chỉ diễn ra ở Thừa Thiên - Huế mà còn có một số tỉnh, thành khác. Tháng 6 năm 2012, một nhóm người lạ mặt đã giả giấy tờ của UBND phường, tiến hành đào trộm một ngôi mộ cổ hàng trăm năm tại khối phố 8, phường An Sơn, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ngôi mộ hơn 300 tuổi bị đào được xây dựng theo kiến trúc cổ, xung quanh được xây thành kiên cố, tứ trụ có hình búp sen lớn, bia mộ được khắc bằng văn tự cổ. Tuy nhiên, những tảng đá hàng tấn đã bị hất tung khỏi ngôi mộ, hoa văn trong ngôi mộ cũng bị đập phá.
Di chỉ Làng Vạc nằm tại hai khu vực thuộc xã Nghĩa Hòa và Ðông Hiếu, huyện Nghĩa Ðàn (Nghệ An) cũng bị những kẻ đào bới tìm cổ vật trái phép xâm hại. Theo Giáo sư Hoàng Xuân Chỉnh, Viện Khảo cổ học Việt Nam: “Làng Vạc là nơi phát hiện được nhiều mộ táng nhất trong số hàng trăm di chỉ văn hóa Ðông Sơn”. Qua năm lần khai quật, phát hiện 437 ngôi mộ cổ, 1.228 hiện vật gồm dao, kiếm, trống đồng, rìu đá... Làng Vạc là một di tích cư trú - mộ táng văn hóa Ðông Sơn có vị trí quan trọng vào bậc nhất nước ta”.
Năm 1999, Làng Vạc được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng công nhận di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia. Vào cuối tháng 3/2006, tại đây bắt đầu xuất hiện nạn đào bới tìm cổ vật. Mặc dù chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức lực lượng bảo vệ nhưng hàng trăm người vẫn tràn vào ngang nhiên đào bới. Trước đó, năm 1999, di chỉ Làng Vạc cũng bị xâm hại bởi hàng trăm người đến đào bới...
Cần có bản đồ quy hoạch khảo cổ
Sở dĩ những ngôi mộ cổ hay bị xâm hại, đào bới bởi kẻ gian thường nghĩ mộ cổ nhất là mộ vua chúa, quan, dòng tộc hay có vàng bạc, đá quý, cổ vật quý hiếm. Chỉ vì vật chất, kẻ gian sẵn sàng lật tung mộ, phá hoại xương cốt người đã khuất gây đau lòng các dòng tộc, hậu duệ, con cháu nạn nhân.
Theo Điều 246 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hình phạt này quá nhẹ so với những gì người đó gây ra cho dòng họ, di sản văn hóa đất nước.
Không chỉ có kẻ gian, một số dự án làm đường, làm công trình cũng vô tình xâm hại những ngôi mộ cổ. PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học bùi ngùi: “Khoảng 90% số di tích liên quan tới thời đại kim khí trên toàn quốc đã bị xóa sổ hoàn toàn vì không được quy hoạch bảo vệ. Trong đó, có những di tích cực kỳ quan trọng như khu di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ) hay mộ táng Thủy Nguyên (Hải Phòng)”.
Với những mộ cổ ẩn, lăng tẩm ẩn sâu dưới lòng đất, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, các tỉnh, thành cần có bản đồ quy hoạch khảo cổ. Có bản đồ này sẽ giúp cơ quan chức năng xác định các di tích trên từng địa bàn và dự báo, khoanh vùng những khu vực có tiềm năng về khảo cổ để khảo sát, thăm dò khi cần; tránh được nguy cơ những di tích, di sản bị xâm hại và biến mất. Tuy nhiên, để có những bản đồ này đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ về thời gian, công sức và kinh phí; cần có sự quan tâm, vào cuộc của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa cả nước.
Còn những mộ cổ, lăng tẩm lộ thiên, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mong mỏi, các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường lực lượng bảo vệ cũng như tuyên truyền cho người dân hiểu và gìn giữ cho người đã khuất được an giấc, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của dân tộc.