Báo động tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) -Tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động đối với lao động nữ, số lượng các vụ việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được phát hiện còn thấp... cho thấy “bức tranh“ về bình đẳng giới còn nhiều “mảng tối”.
 

Lao động nữ sau tuổi 35 vẫn bị bỏ rơi

Mặc dù kết quả thực hiện bình đẳng giới trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và những khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Ủy ban CEDAW), song tại QH, Chính phủ vẫn thừa nhận nhiều mục tiêu thực hiện BĐG vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm.

Trong đó, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, Quý II/2017, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng là 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng). 

Tính đến ngày 01/7/2017, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam 28,3 triệu người, chiếm 52%, lao động nữ là 26,2 triệu người, chiếm 48%. Trong năm 2016, đã triển khai giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động (tăng 0,98% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 và 2014), trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48%. 

Tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề trong thị trường lao động hiện nay, nhất là lao động nữ trong các khu công nghiệp chủ yếu có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua do cơ cấu lại sản xuất, NLĐ không đáp ứng được năng suất công việc tại khu vực sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc. Nghiên cứu mang tính tham khảo của Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017 đã khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, có nơi tới 80% lao động bị sa thải là phụ nữ tuổi trên 35. 

Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều cách khác nhau như chuyển người lao động lớn tuổi sang vị trí công việc khác không phù hợp với khả năng hoặc mở các đợt kiểm tra, sát hạch hoặc thậm chí yêu cầu tăng năng suất lao động để buộc người lao động phải tự bỏ việc. Trong khi đó, ở độ tuổi sau 35 việc học nghề đối với lao động nữ gặp nhiều khó khăn về tài chính và thời gian, vì vậy phần đông lao động nữ sau khi mất việc làm thường trở về quê hương làm các công việc tự do, không ổn định.

Không những thế, theo ĐB Ngàn Phương Loan (tỉnh Lạng Sơn), hiện nay nhiều phụ  nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng biên giới sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp và hệ lụy của vấn đề này là người phụ nữ phải sống tha phương, cảnh vợ xa chồng, mẹ một nơi, con một chốn. Nhiều phụ nữ có thể bị lừa đảo trở thành nạn nhân trong các vụ buôn  bán người, bị cơ quan chức năng nước bạn bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích.

Thậm chí một số trường hợp còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Dù biết những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải xuất cảnh trái phép và tình trạng này hàng năm giảm không đáng kể bởi những nguyên nhân khác nhau.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống còn khó khăn, thu nhập thấp, công việc chưa ổn định. Mặc dù đã có nhiều lớp tập huấn, nhiều đề án, chính sách quan tâm đến lao động việc làm của phụ nữ nhưng đầu ra cho lao động nữ nông thôn sau học nghề còn nhiều trở ngại.

Nâng cao “chất” cho lao động nữ trong cách mạng 4.0

Do đó, để thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động việc làm, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ và cũng để xây dựng các chính sách phù hợp trong thời gian tới, theo các ĐBQH, cần thiết phải có các giải pháp cụ thể và thiết thực. ĐB Lê Thị Yến (tỉnh Phú Thọ) kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội đổi mới nội dung và tăng cường công tác truyền thông giáo dục về bình đẳng giới nhằm chuyển đổi hành vi theo những cách sáng tạo và thiết thực, nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Chú trọng nội dung tuyên truyền phù hợp với từng vùng miền, nâng cao nhận thức và vai trò của nam giới trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, đưa nội dung bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước của cộng đồng. Cần phải xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi. 

Nghiên cứu để từng bước xây dựng các chuẩn mực xã hội, đảm bảo sự bình đẳng của con gái với con trai trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, bảo đảm sự công bằng về vai trò của nam giới và nữ giới trong các hoạt động kinh tế - xã hội và chính trị. Quan tâm hơn nữa việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạch định chính sách nói chung và chính sách về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nói riêng. Để nâng cao chất lượng cuộc sống, cần phát triển các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho nam giới cũng như xây dựng và hoàn chỉnh phát triển hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi. 

Với ĐB Trương Thị Bích Hạnh (tỉnh Bình Dương), việc xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật phải đi đôi với thực thi chính sách pháp luật. Tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có các quy định riêng đối với lao động nữ, trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, ĐB Hạnh đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh tình hình này trên thực tế, không chỉ riêng đối với BĐG mà cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Trong điều kiện phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều dự báo cho thấy lao động nữ làm công việc giản đơn sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm do sự thay thế của công nghệ. Vì vậy, để đảm bảo bình đẳng thật sự trong lĩnh vực lao động việc làm, ĐBQH đề nghị cần có giải pháp về đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho lao động nữ  thông qua các chính sách cụ thể như chính sách khuyến khích về đào tạo nghề cho lao động nữ, nhất là những nghề cần chuyên môn tay nghề cao, các nghề thuộc ngành trọng điểm quốc gia, các ngành kỹ thuật mà nam giới tham gia chủ yếu trong thời gian vừa qua. Cần nghiên cứu về việc bổ sung quy định đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ như trước đây.

Đồng thời, “bên cạnh chỉ tiêu hàng năm trong tổng số người lao động được tạo việc làm mới phải bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới thì trong chỉ tiêu về lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ hàng năm theo nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội cũng phải đảm bảo tỷ lệ ít nhất 40% cho mỗi giới. Có như thế mới đảm bảo việc làm, thu nhập bền vững và bình đẳng thực sự giữa lao động nam và lao động nữ trong lĩnh vực lao động và việc làm” – ĐB Hạnh nhấn mạnh.

Vi phạm chính sách pháp luật đối với lao động nữ trong doanh nghiệp là khá phổ biến

Thực thi pháp luật đối với lao động nữ trong khu vực doanh nghiệp là mối băn khoăn của ĐB Trương Thị Bích Hạnh (tỉnh Bình Dương)về tình hình thực hiện BĐG thời gian qua. Trên cơ sở phân tích báo cáo của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, ĐB nhận thấy, qua thanh tra ở 152 doanh nghiệp dệt may có 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nữ, chiếm 36%. 12 địa phương được thanh tra thì có 6 địa phương có các doanh nghiệp vi phạm, chiếm 50%. “Như vậy, có thể nói việc vi phạm chính sách pháp luật đối với lao động nữ trong doanh nghiệp là khá phổ biến. Tuy nhiên, báo cáo chưa thể hiện kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong thời gian vừa qua” – ĐB Hạnh nhận xét. 

Ngoài ra, cả nước có 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 324 khu công nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm đa số nhưng phần lớn công nhân lao động đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ với chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Các khu công nghiệp, khu chế xuất thường còn thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con công nhân, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt tinh thần cho công nhân. Điều kiện sinh hoạt hạn chế, không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho công nhân sau giờ làm việc, ảnh hưởng đến sự hồi phục, tái tạo sức lao động. Mặt khác, một bộ phận các doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân tại nơi làm việc, nhiều nữ công nhân ít được tiếp cận thông tin, các hoạt động văn hóa, xã hội. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.