Báo động tình trạng biển xâm thực Thị xã Duyên Hải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Triều cường ven biển tại thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) dâng cao kèm theo gió mạnh tạo nên xói mòn nhanh, làm hàng chục hecta đất bị mất. Tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng mấy năm nay, khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.

Mất “hàng rào bảo vệ”

Thời gian qua, khu vực xã Trường Long Hòa ( thị xã Duyên Hải) xảy ra nhiều vụ sạt lở đất ven biển nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống và mưu sinh của người dân nơi đây, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Tình hình xâm thực còn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Trí chỉ về nơi cách cây cắm mốc khoảng 150m từng là rừng cây dương.

Ông Trí chỉ về nơi cách cây cắm mốc khoảng 150m từng là rừng cây dương.

Ông Trần Trọng Trí (SN 1985, ngụ ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) cho biết: Trước đây, gia đình ông có 15.000m2 trồng cây dương để chắn gió, cát từ biển thổi vào. Sau 5 năm, diện tích này gần như mất trắng, hàng cây dương bị đổ gục trước sự bào mòn của gió và nước biển.

Theo ông Trí, kể từ khi diện tích trồng dương mất đi, ông đã làm đủ mọi cách để giữ phần đất phía trong bờ nhưng không khả thi. Hơn 5.000m2 diện tích trồng hoa màu cũng sạt lở tiếp. Gần đây nhất, nước biển còn làm một hồ nuôi tôm của ông vỡ bờ bao, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

“Trước đây còn hàng dương gia đình tôi trồng hoa màu. Về sau xói mòn, sạt lở đất ven biển quá nhiều khiến hàng cây dương từ từ xô ngã rồi mất dần luôn. Gia đình tôi không thể trồng hoa màu tiếp được nữa nên đành chuyển qua nuôi tôm”, ông Trí nói.

Bà Tôn Thị Hậu (SN 1972, ngụ cùng địa phương) kể, gia đình bà có 7.000m2 đất đang trồng củ sắn. Trước đây bà trồng các loại nông sản khác (dưa hấu, khoai lang) cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng nông sản trên diện tích này đã bắt đầu sụt giảm, nguyên nhân được cho là do mất hàng cây dương bảo vệ nên lượng gió thổi vào mạnh làm xô ngã cây trồng dẫn đến cây khó phát triển.

“Mất hàng dương nên nơi này rất dễ bị sương muối làm ảnh hưởng đến cây trồng. Tôi đã đổi qua trồng củ sắn nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan, cây vẫn còi cọc, phát triển chậm do tác động của gió biển”, bà Hậu cho biết thêm.

Hàng cây dương vốn rộng hàng chục mét, kéo dài hàng kilomet giờ đây chỉ còn "loe hoe".

Hàng cây dương vốn rộng hàng chục mét, kéo dài hàng kilomet giờ đây chỉ còn "loe hoe".

Theo báo cáo về tình hình sạt lở tại xã Trường Long Hòa của UBND thị xã Duyên Hải, tình trạng sóng to, gió lớn đã làm sạt lở bờ biển và xâm thực sâu vào đất liền thời gian qua đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng về tài sản cây trái hoa màu, vật kiến trúc và các công trình trên địa bàn.

Cụ thể, tháng 11/2020, nước biển dâng cao kèm gió làm sạt lở đất ven biển của 16 hộ dân tại ấp Nhà Mát với diện tích thiệt hại khoảng 2ha; từ tháng 11/2020 - 1/2021, khu vực Vàm Láng Nước sạt lở chiều dài khoảng 1.200m, rộng khoảng 30m, làm thiệt hại khoảng 3,6 ha hoa màu; Tháng 12/2021, sạt lở một đoạn bờ biển dài khoảng 200m, chiều sâu vào đất liền khoảng 15m, đồng thời làm sụp mố cầu dẫn điện gió V1-3 khoảng 40m2 (thiệt hại hàng tỷ đồng)…

Nguy cơ xâm thực ngày càng sâu

Tại Trung tâm Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản Đại học Trà Vinh (gọi tắt là Trung tâm, tại ấp xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải), phóng viên ghi nhận hình ảnh hàng cây dương bị bật gốc, đổ ngã nằm la liệt dọc theo tuyến ven biển này. Gần đó, một đoạn nhỏ đê bao đã được thi công xử lý khắc phục tạm thời nhưng vì quá ngắn nên không thể che chắn cả khu vực.

Tình trạng xâm thực bờ biển khu này xu hướng xâm thực toàn tuyến, có hiện tượng sạt lở dần vào sát bên đường hành lang ven biển (khoảng 3km), sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường hành lang ven biển nếu không có giải pháp khắc phục sớm.

Triều cường dâng cao với gió mạnh đã khiến rừng cây dương bật gốc.

Triều cường dâng cao với gió mạnh đã khiến rừng cây dương bật gốc.

Ông Đỗ Văn Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản Đại học Trà Vinh chia sẻ: Trước đây, bờ biển cách xa trung tâm khoảng 30m, nhưng hiện tại mỗi khi triều cường dâng, nước biển đã vượt qua rừng dương (còn gọi là phi lao) và cách Trung tâm gần 5m. Hiện, rừng dương này đang mất dần, số lượng cây đã không còn lại bao nhiêu.

“Tôi lo việc xâm thực sẽ tiến sâu hơn nữa vào Trung tâm. Khoảng từ tháng 10/2023 đến nay, triều cường bắt đầu dâng cao, kèm theo gió mạnh làm cho nhiều gốc dương đỗ ngã. Không có gì ngăn lại, nên gió thổi cát bay trực tiếp vào Trung tâm làm cho công việc và cuộc sống mọi người ít nhiều bị ảnh hưởng. Tôi hy vọng sẽ sớm có bờ kè che chắn bảo vệ công trình kiến trúc, cây cối hoa màu nơi đây để người dân an tâm sản xuất”, ông Trường bày tỏ.

Ông Trường lo lắng nạn xâm thực sẽ ảnh hưởng đến Trung tâm một ngày không xa nếu không có phương án bảo vệ.

Ông Trường lo lắng nạn xâm thực sẽ ảnh hưởng đến Trung tâm một ngày không xa nếu không có phương án bảo vệ.

Ngày 6/3, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải) cho biết, khoảng 2 – 3 năm trở lại đây tình hình sạt lở diễn ra nhiều. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gần 100 hộ đang canh tác nông nghiệp dọc theo bờ biển với diện tích 36ha. Ảnh hưởng gián tiếp đến 450 hộ gần đó với diện tích 300 – 350ha.

Theo ông Phương, trước đây địa phương đã huy động các đơn vị thuộc Đội Biên phòng trên địa bàn và bà con nông dân đắp bờ bao, nhưng đó cũng chỉ là phương án tạm thời. Xã Trường Long Hòa đã báo cáo đến các cấp lãnh đạo, cơ quan chuyên môn, sau đó cơ quan chức năng đã xuống khảo sát, đánh giá để có phương án khắc phục.

“Tổng chiều dài bờ biển của xã Trường Long Hòa là 13,5km, trong đó đã xây dựng kè cơ bản khoảng 4,5km. Đoạn tiếp theo đang được Bộ NN&PTNT đầu tư, thi công thêm 1,7km. Địa phương mong muốn được cấp trên xem xét, tiếp tục hỗ trợ, đầu tư kinh phí để triển khai thi công phần chiều dài còn lại của dự án, đảm bảo tình hình kinh tế, nông nghiệp của bà con nông dân”, ông Phương nói.

Đọc thêm

Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng

Ảnh minh họa (Ảnh: Báo dân tộc và Phát triển)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, nắng nóng gay gắt đã diễn ra trên phạm vi cả nước, có nơi trên 43 độ C. Cháy rừng đã xảy ra ở một số địa phương, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và của.

Hơn 500 người chung sức cứu 2 cánh rừng bị cháy ở An Giang

Đại tá Nguyễn Thế Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang báo cáo nhanh về công tác triển khai lực lượng hỗ trợ địa phương tham gia chữa cháy.
(PLVN) - Hơn 500 người tham gia khắc phục hỏa hoạn tại khu vực Núi Tô và Núi Dài huyện Tri Tôn (An Giang) dốc toàn lực, huy động toàn bộ trang thiết bị, phương tiện với quyết tâm khống chế bằng được đám cháy, chống cháy lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản...

Nhiệt độ Hà Nội và các khu vực trong cả nước ngày mai, 29/4

Nhiệt độ Hà Nội và các khu vực trong cả nước ngày mai, 29/4
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày mai (29/4) Hà Nội và các tỉnh miền Bắc nói chung, các tỉnh miền Trung tiếp tục có nắng nóng gay gắt, cục bộ đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại các địa phương phổ biến khoảng 39 độ C, có nơi 41 - 42 độ C...

Ngày mai (28/4) khu vực nào nóng nhất?

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia ngày mai (28/4) nắng nóng vẫn tiếp tục duy trì ở nhiều khu vực trên cả nước. Đặc biệt có một số khu vực nắng nóng với nhiệt độ có nơi trên 41 độ C.

Xâm nhập mặn tại miền Tây ngày càng gay gắt, bất thường

Mương nước nội đồng ở xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) trơ đáy, khô, nứt nẻ. (Ảnh: An Bình)
(PLVN) - Xâm nhập mặn có xu hướng ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sớm hơn trước 1 - 1,5 tháng, gay gắt và bất thường, theo báo cáo về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT).

Nắng nóng vẫn tiếp tục bao trùm cả nước

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khoảng ngày 30/4, từ ngày 1-2/5 nắng nóng trên cả nước có khả năng giảm dần. Ngày mai (27/4) nắng nóng vẫn tiếp tục bao trùm các khu vực trên cả nước.

Đề phòng mưa dông khu vực Bắc Bộ

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, chiều tối và đêm nay (24/4) mưa rào và dông rải rác vẫn xuất hiện ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An...

Cảnh báo mưa rào và dông ở một số khu vực

Cảnh báo mưa rào và dông ở một số khu vực
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, đêm 23 và ngày 24/4, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 60mm (mưa tập trung vào thời gian chiều tối và đêm).