Trời còn chưa sáng nhưng cả trăm người đã đứng xếp hàng ngoài một bệnh viện Trung ương nổi tiếng nhất Bắc Kinh. Những người dân này hy vọng sẽ được các bác sĩ đầu ngành ở đây khám.
"Không còn lựa chọn nào khác - tất cả mọi người đều đổ về Bắc Kinh," bà Mao, 40 tuổi, nói. “Tôi nghĩ tình trạng này là không thỏa đáng với điều kiện hiện tại của Trung Quốc. Chúng tôi nên có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn.”
Áp lực “tỷ dân”
Những hàng dài người chờ đợi trước cổng bệnh viện này là biểu hiện rõ nét của cơn khủng hoảng dịch vụ y tế tại Trung Quốc.
Kinh tế phát triển bùng nổ trong ba thập kỷ qua đã biến Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hệ thống y tế xã hội được nâng cấp đã góp phần làm tăng tuổi thọ và giảm tỷ lệ tử vong khi sinh.
Tuy nhiên hệ thống này hiện không thể đáp ứng đủ nhu cầu của hơn một tỷ người dân. Khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng đang đe dọa vấn đề tài chính, bình ổn xã hội và sự phát triển của Trung Quốc – những thách thức rất lớn đối với Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản nước này.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ cán bộ y tế trên người dân của Trung Quốc là 1/6.666, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của thế giới là 1/1.500 hay 1/2.000. Ông Mao Qun’an, người phát ngôn của Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe quốc gia, thừa nhận rằng các bệnh viện hiện không còn có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nữa.
Trong khi tầng lớp thượng lưu có thể chi trả cho dịch vụ y tế tốt nhất tại các bệnh viện tư hàng đầu, thì hầu hết người dân đều đổ về các bệnh viện công. Thậm chí ở nông thôn, người dân phải trông cậy vào trạm xá của làng hoặc di chuyển hàng trăm dặm mới đến được cơ sở y tế gần nhất.
Các bác sĩ phải đối mặt với nhiều áp lực khi làm việc. |
Quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện không có hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để đáp ứng các nhu cầu điều trị cơ bản. Thay vì đến phòng khám hoặc trạm xá, ai ai cũng đổ xô đến bệnh viện để tìm gặp các chuyên gia ngay cả khi họ chỉ bị sốt nhẹ hoặc đau đầu.
Bernhard Schwartländer, trợ lý cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Người dân Trung Quốc không tin tưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vì cho rằng ở đó không có bác sĩ giỏi”. Chính vì thế nên những bệnh viện tuyến trên bị quá tải và không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng. Bác sĩ cũng kiệt sức với 200 bệnh nhân mỗi ngày.
Bê bối liên tiếp
Vào tháng 7 vừa qua, hàng trăm nghìn trẻ em Trung Quốc được phát hiện đã bị tiêm vắc-xin không đạt chuẩn. Sự kiện này như đổ thêm dầu vào cơn giận dữ và thất vọng của người dân đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính phủ, tình trạng bắt nguồn từ những năm 1980.
Công cuộc cải tổ kinh tế của nước này từ cuối thế kỷ 20 đã dẫn đến việc chính phủ cắt giảm đáng kể trợ cấp cho lĩnh vực y tế. Do vậy các bệnh viện buộc phải tìm ra cách kiếm thêm tiền. Hậu quả tất yếu là nhiều bác sĩ đã nhận hối lộ từ các công ty dược phẩm và bệnh nhân.
Trong một cuộc khảo sát năm 2013 của Cheris Chan, một giáo sư xã hội học tại Đại học Hong Kong, với hơn 570 người dân Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ và người nhà từng “đưa phong bì” cho bác sĩ phẫu thuật trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012.
Yu Ying, bác sĩ tại một bệnh viện hàng đầu Trung Quốc, cho biết cô từng được nghe kể về việc những bác sĩ ngoại trú nhận hàng nghìn USD tiền hối lộ từ công ty dược phẩm. "Đa số bác sĩ đều nhận 'phong bì' và các khoản đút lót. Tiền mặt được gói vào trong những túi nhựa", cô nói. “Sau khi biết được điều này, tôi thực sự đã phải cho bản thân mình một cái tát vào mặt để thức tỉnh”.
Lương bác sĩ thấp là một trong những vấn đề đau đầu của ngành y Trung Quốc. |
Tham nhũng đã trở thành một “đặc sản” ở Trung Quốc và ngay cả các công ty nước ngoài tại đây cũng “nhập gia tùy tục”. Hãng dược phẩm Anh quốc GlaxoSmithKline đã phải trả một khoản tiền phạt trị giá 500 triệu USD vào năm 2014, cao nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc, vì đã hối lộ các bệnh viện và bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc của hãng.
Eli Lilly, Pfizer và những “người khổng lồ” trong ngành dược phẩm toàn cầu khác cũng từng phải chịu phạt về hành vi tương tự.
Nghề “nguy hiểm”
Thất vọng với hàng loạt vụ bê bối của ngành y tế, nhiều người dân đã sử dụng bạo lực với bác sĩ.
Vào tháng 3/2018, một bác sĩ đã bị người nhà bệnh nhân giết. Tháng 11/2016, một người đàn ông đã tấn công bác sĩ sau cuộc cãi vã. Chỉ một tháng trước đó, trong lúc kích động do người con gái tử vong khi sinh, cha của cô gái đã đâm một bác sĩ nhi khoa 15 nhát dao. Sự việc đã làm truyền thông cả nước chao đảo. Vị bác sĩ này sau đó cũng không qua khỏi.
Tháng 4/2012, khi đang ngồi viết chuẩn đoán cho bệnh nhân Lu Fuke, bác sĩ Zhao Lizhong đã bị người này đâm dao vào cổ trong tiếng la hét hoảng sợ của mọi người xung quanh. Vài giờ trước đó, ông Lu cũng đã đâm bác sĩ Xing Zhimin, người điều trị bệnh viêm mũi cho ông tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh và bỏ trốn. Người này sau đó bị bắt giữ tại Hà Bắc và bị kết án 13 năm tù.
"Chúng tôi đều biết những tai nạn kiểu đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào", bác sĩ Zhao nói.
Để đối phó, nhiều bệnh viện đang triển khai biện pháp bảo vệ nhân viên của mình. Bệnh viện Trung Sơn phía nam Quảng Châu đã mời võ sư taekwondo dạy kỹ thuật tự vệ cho các bác sĩ. Bệnh viện ở phía đông tỉnh Tế Nam còn thuê công ty vệ sĩ để đảm bảo an ninh. Năm ngoái, chính phủ cũng cam kết bố trí lực lượng cảnh sát trong khoa cấp cứu, nơi thường xảy ra các vụ tấn công bạo lực.
Một buổi học của khóa đào tạo bác sĩ gia đình. |
Người phát ngôn Bộ Y tế Trung Quốc, nói rằng cần phải xét lại bối cảnh xảy ra các vụ tấn công bác sĩ. Người dân nước này đã tìm đến dịch vụ y tế 8 tỷ lần trong năm 2016, một con số tương đương với dân số thế giới. Trong đó chỉ có khoảng 50.000 vụ xung đột liên quan, một tỷ lệ khá nhỏ so với con số 8 tỷ. "Vì vậy, chúng tôi cho rằng mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân trên thực tế không căng thẳng như vậy", người phát ngôn nói.
Những năm gần đây, nhiều người trẻ bắt đầu theo đuổi ngành y vì cho rằng nghề này có thể đảm bảo miếng cơm manh áo với nhiều đãi ngộ tốt như nhà ở và lương hưu.
Tuy nhiên thực tế lại không “màu hồng” như vậy. Với khối lượng công việc đồ sộ, mỗi tháng bác sĩ Huang được trả khoảng 1.340 USD – mức lương chỉ cao hơn đôi chút so với 12 năm trước đây khi anh còn là một bác sĩ mới vào nghề. "Mức đãi ngộ cho bác sĩ đa khoa như tôi không được tốt lắm", anh Huang nói, "nó thấp hơn rất nhiều so với các bác sĩ chuyên khoa."
Ở Trung Quốc, mức thu nhập sẽ tỷ lệ thuận với sự tôn trọng mà bạn nhận được. Chính vì thế người dân thường đánh giá thấp bác sĩ đa khoa hơn so với các bác sĩ chuyên khoa. Theo khảo sát năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc, chỉ có một phần ba trong tổng số gần 18.000 bác sĩ cho rằng họ được người dân tôn trọng.
Một giải pháp khá hiệu quả cho vấn đề này là dịch vụ bác sĩ gia đình. Hiện nay Trung Quốc đang khuyến khích và hỗ trợ chi phí để mỗi hộ gia đình ký hợp đồng với một bác sĩ riêng cho tới năm 2020. Các bác sĩ đa khoa sẽ được cấp quyền hội chẩn và tham khảo ý kiến chuyên gia để phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân thay vì để họ trực tiếp tới bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ gia đình có thể chăm sóc người dân chu đáo hơn với giá thành rẻ hơn, và trong trường hợp cần thiết người bệnh cũng dễ dàng được chuyển tuyến.
Thêm một trong những vấn đề chính là bác sĩ hiện nay thiếu kinh nghiệm thăm khám tại các cơ sở y tế công cộng, bà Zhu Shanzhu, một giáo viên tại Trung tâm Dịch vụ Y tế Cộng đồng Weifang, cho biết. Nhiều bác sĩ chỉ biết kê đơn thuốc. Lý luận lâm sàng cũng rất kém, bà nói.
Bác sĩ Zhu cho rằng công tác đào tạo hiện nay vẫn còn rất hạn chế, các bác sĩ lại không dành nhiều thời gian để nghiên cứu và cập nhật thêm thành tựu kỹ thuật mới trong lĩnh vực của mình. "Nếu nghề này kiếm được nhiều tiền hơn thì các bác sĩ sẽ chủ động tham gia các khóa học chuyên môn," bà nói, "bởi mức lương hấp dẫn cũng giúp bác sĩ nâng cao địa vị xã hội của mình."
Mặc dù chính phủ đã cam kết tăng lương cho bác sĩ gia đình nhưng bà Zhu không mấy lạc quan. “Tất cả các bộ ban ngành cần phải phối hợp với nhau,” bà nói, “và bạn biết đấy, đó không phải là một việc dễ dàng”.