Xã hội đang phát triển, nhưng dường như đạo đức lại đang đi ngược với sự phát triển đó khi có hiện tượng chữ hiếu, chữ nghĩa bị vùi dập một cách táng tận lương tâm.
Câu nói nhẫn tâm nhất năm
Trọng chữ Hiếu – đó là truyền thống lâu đời của người Việt Nam và cũng là lời răn dạy trong các tôn giáo... Thế nhưng, năm 2012 là một năm mà hiện tượng xem nhẹ chữ Hiếu đã gióng lên hồi chuông báo động, với những vụ việc con cái đuổi cha mẹ già ra đường, nhẫn tâm hạ sát cha mẹ…
Cụ già xuất viện phải nằm vỉa hè vì con không cho vào nhà |
Người dân Hà Nội nói chung và người dân phố Núi Trúc nói riêng hẳn chưa quên sáng 7/9/2012, khi cụ ông Nguyễn Vỹ Nhân bị những con đẻ của mình cho ra nằm ngoài đường trước cửa ngôi nhà số 11. Điều đáng buồn là 4 người con của cụ Nhân đều là trí thức được học hành tử tế.
Việc họ “đưa” bố ra hè phố nằm được cho là nhằm tranh chấp ngôi nhà ở phố Núi Trúc mà chị dâu cả đang ở. Chỉ sau khi xảy ra chuyện tranh cãi to tiếng phản đối giữa những người dân sống quanh khu vực với các con cụ Nhân thì cụ mới được đưa về nhà con gái thứ hai, chấm dứt cảnh thân già nằm lề đường.
“Anh vừa giết chết bố mẹ” – câu nói đó có lẽ là câu nói nhẫn tâm nhất trong năm 2012. “Tác giả” của câu nói là Lưu Văn Thắng (26 tuổi) thủ phạm xuống tay hạ sát chính bố mẹ đẻ của mình là ông Lưu Văn Dơi và bà Nguyễn Thị Gái (50 tuổi, trú tại phố Thúy Lĩnh, Hoàng Mai, Hà Nội). Lưu Văn Thắng bỏ học lêu lổng từ bé, không công ăn việc làm, thường xuyên thua nợ cờ bạc khiến bố mẹ phải trả tiền thay.
Trước khi gây án, Thắng thiếu nợ 20 triệu đồng mà không có khả năng thanh toán. Nghĩ bố mẹ lắm tiền nhiều của, Thắng tiếp tục sang xin xỏ, nhưng vợ chồng ông bà Dơi nhất định không cho, Thắng sinh lòng thù hận và lên kế hoạch… trả thù. 2h ngày 24/6/2012, Thắng thủ dao vào người và vượt tường rào vào nhà bố mẹ đẻ, rồi giết cả bố và mẹ. Giết xong, Thắng quay về nhà và bình thản “thông báo” sự việc với vợ mình.
Nhân - trí - dũng hay “cái màng mỏng”?
Nhiều đấng đàn ông Việt Nam nghĩ rằng, trong đời, sự nghiệp mới là quan trọng, mọi thứ còn lại là thứ yếu. Nhưng, thực tế cuộc sống lại chứng minh điều ngược lại rằng việc không thành công trong sự nghiệp chỉ đơn thuần là sự kém may mắn. Còn để mất gia đình mới chính sự thất bại thực sự của mỗi người đàn ông. Ấy vậy mà, không ít người đàn ông, người chồng, người cha đã quên chân lý đơn giản ấy nhiều, hay họ “cố tình đãng trí” vì những toan tính cá nhân tầm thường.
Đó là ông bác sĩ lên kế hoạch bắt vợ mình… ái ân với sếp để đòi một khoản tiền. Dưới cái “mũ” là ép sếp không được trù dập và chấm dứt ngay mối quan hệ bất chính với với vợ mình, anh chồng H.M.H. một bác sỹ chuyên khoa của một bệnh viện ngành, đóng tại đường Minh Khai, Hà Nội, đã sẵn sàng lên kế hoạch bắt vợ mình là chị H.T.B.N. (sinh năm 1972), công tác tại Trung tâm Y tế Đường bộ 2 (Thuộc Khu Quản lý Đường bộ 2, Tổng cục Đường bộ VN) quan hệ với sếp là GĐ Trung tâm y tế Đường bộ II tới… 3 lần, để quay được clip rõ nét về việc này.
Khỏi nói những “nhân vật chính” trong câu chuyện đã bị dư luận xã hội lên án như thế nào: một ông sếp suy đồi đạo đức, một ông chồng từ chỗ là nạn nhân trở thành kẻ táng tận lương tâm, một bà vợ tự quay clip cảnh mình ân ái với sếp tới 3 lần rồi nộp cho chồng để chứng tỏ sự… chung thủy, một lòng vì hạnh phúc gia đình của mình.
Đó là ông chồng trả vợ về nhà sau đám cưới một tuần với lý do vợ không còn trinh tiết. Chuyện xảy ra ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.
Ông chồng Nguyễn Phúc Duy tự cho rằng mình là người rất sành đời về trinh tiết đàn bà. Anh này còn kể với báo chí tường tận rằng do không kiềm chế được bản thân về chuyện giữ gìn cho vợ đến tận đêm tân hôn mà “ăn vụng” trước ngày cưới khoảng hai tuần và cho rằng vợ sắp cưới không còn trinh trắng khi lần đầu quan hệ… Đó cũng là lý do khiến người chồng này “trả” vợ về nhà mẹ đẻ và tiếp tục… cưới vợ mới.
Trước câu chuyện này, nhiều người đã đặt câu hỏi phải chăng “cái màng mỏng” kia mới chính là mục đích sống của người đàn ông này thay cho nhân - trí – dũng những đức tính cần có của một nam nhi đích thực…
Hồng Minh