Tội phạm ma túy ngoài xã hội ngày một gia tăng trong những năm qua đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý phạm nhân tại các trại giam, trại tạm giam, đặc biệt là phạm nhân là người nghiện ma túy. Tội phạm ma túy đã và đang tìm đủ mọi cách để len lỏi vào các trại giam, trại tạm giam- những nơi được coi là cấm kị với mọi hành động tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và các vật cấm khác…
Nóng bỏng
Theo ông Vũ Văn Minh - Phó Vụ trưởng Vụ 4, VKSNDTC - từ năm 2006- 2010, VKSNDTC thụ lý 52.539 vụ án về buôn bán ma túy, với 68.6807 bị can. Đặc biệt năm 2010, tình hình tội phạm ma túy tăng đáng kể khi tăng 2.598 vụ (tăng 27,3% so với 2009), 2.279 bị can (17,6%).
Đại tá Phạm Văn Trị, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C47) cho biết, hiện cả nước có khoảng 180.000 người nghiện, tuy nhiên vẫn còn một số lượng người nghiện các chất ma túy tổng hợp mà ngành chức năng chưa nắm hết được.
Đại tá Phạm Văn Trị và ông Vũ Văn Minh cùng chung đánh giá, tội phạm ma túy đang diễn biến ngày một phức tạp và ảnh hưởng tới các trại giam, tạm giam. Theo thống kê của VKSNDTC, trong số trên 41.000 người bị tạm giữ, tạm giam thì có 50% liên quan đến ma túy. Trong tổng số phạm nhân ở trại giam thì có tới hơn 40% là tội phạm ma túy và số người nghiện ma túy đang chấp hành phạt tù là gần 22%.
Ảnh minh họa. |
Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục 8, Bộ Công an - cho biết, hành vi đưa ma túy vào trại giam là vấn nạn phổ biến của các nhà tù trên thế giới, không riêng của Việt Nam. Theo khảo sát của Tổng cục 8 được báo cáo tại một Hội thảo gần đây về phòng chống ma túy trong trại giam, từ tháng 5/2005 đến tháng 5/2010, các đơn vị trại giam, trại tạm giam..., đã phát hiện, xử lý 1.717 vụ với 2.098 phạm nhân có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Trong đó, số vụ và số phạm nhân xảy ra tại trại giam là nhiều nhất với 1.689 vụ/2.076 phạm nhân. Đặc biệt, năm 2008 và 2009, việc vi phạm này rất nóng bỏng tại các trại giam khi mỗi năm có tới từ 400 đến 500 vụ bị phát hiện xử lý.
Con đường để ma túy vào trại giam phổ biến nhất là thông qua hoạt động tiếp tế của người nhà, người thân quen của phạm nhân từ bên ngoài vào trại giam. Các đối tượng này thường gửi hiện vật (giầy, dép, sách, vở...), bên trong có giấu ma túy và các vật cấm khác một cách tinh vi để lọt qua khâu kiểm soát...
Ngoài ra, do nhiều cơ sở trại giam nằm sát khu dân cư nên nhiều đối tượng ở bên ngoài đóng gói ma túy cẩn thận rồi ném vào trong khu vực trại, sau đó chúng tìm cách liên lạc để báo cho phạm nhân biết địa điểm của ma túy để có thể đến lấy và sử dụng....
Về nguyên nhân chủ quan của việc đưa ma túy vào trại giam, Trung tướng Cao Ngọc Oánh cho biết một số bộ phận cán bộ trại giam đang coi nhẹ tính phức tạp, nguy hiểm của các hành vi tàng trữ, buôn bán, sử dụng ma túy trong trại giam nên trong công tác quản lý có khi buông lơi. Ngoài ra, cán bộ trại giam còn làm các nghiệp vụ chưa đến nơi đến chốn nên phạm nhân có cơ may đưa vật cấm vào trong trại.
Trung tướng Cao Ngọc Oánh cũng thẳng thắn cho biết, cũng có những chiến sỹ nghĩa vụ lợi dụng những sơ hở trong quản lý đã tiếp tay cho phạm nhân đưa ma túy vào trại. Tuy nhiên trường hợp này không nhiều, trong một, hai năm gần đây Tổng cục đã xử lý vài ba trường hợp tước quân tịch, trả về địa phương, có trường hợp nặng thì xử lý hình sự để răn đe đội ngũ cán bộ cũng như phạm nhân.
Chống ma túy ngay tại trại giam
Nói về khả năng đấu tranh phòng, chống ma túy trong các cơ sở giam giữ, Trung tướng Cao Ngọc Oánh nhận định chưa thể chấm dứt ngay được và cảnh sát nói chung và cảnh sát trong trại giam phải tiến hành nhiều giải pháp để giải quyết triệt để.
Theo đó, trước hết cần nâng cao nỗ lực chủ quan của cán bộ trại giam trong quản lý phạm nhân, thực thi nghiêm minh, quyết liệt hơn công tác giam giữ, phân loại phạm nhân (trong đó có phạm nhân nghiện ma túy) theo quy định của Bộ Công an để quản lý tốt hơn. Đồng thời, tăng cường kiểm soát thường xuyên để loại trừ khả năng các đối tượng lợi dụng để mang ma túy, các vật cấm vào trại, phối hợp với công an và chính quyền nơi đóng quân kiểm soát chặt chẽ địa bàn, không cho các đối tượng bên ngoài có cơ hội đưa ma túy vào trại giam.
Đối với việc phân loại phạm nhân nghiện ma túy để quản lý, Trung tướng Cao Ngọc Oánh cho biết một số trại đã thực hiện hiệu quả như trại Quyết Tiến, Tân Lập... Hiện Tổng cục 8 đang nghiên cứu hướng này để ngăn chặn ma túy lọt vào trại giam.
Trung tướng Cao Ngọc Oánh nhấn mạnh, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ quản lý, chiến sỹ về tính nghiêm trọng của vấn đề, đồng thời phải làm cho các phạm nhân hiểu rõ tác hại của ma túy, việc đưa ma túy vào trại giam là vi phạm pháp luật và khả năng cai nghiện thành công là không còn cơ may; tạo thành một phong trào chống ma túy của các phạm nhân ngay trong các trại giam.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ 4- VKSNDTC Vũ Văn Minh, các trại giam cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ tổ chức, quản lý tiền lưu ký của phạm nhân để kiểm soát hành vi mua bán ma túy trong trại giam... Khi bắt được các tang vật phải giám định kịp thời và phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, truy tố, xét xử làm gương cho các phạm nhân khác.
Đại tá Phạm Văn Trị cho rằng tâm lý tội phạm ma túy rất ngoan cố, bị bắt nhưng vẫn không khai báo vì sợ tội sẽ càng nặng. Do vậy, Đại tá Phạm Văn Trị đề nghị cần có chính sách khoan hồng, giảm án cho phạm nhân vi phạm mà thành khẩn khai báo, và cũng để tạo thuận lợi cho công tác điều tra của cảnh sát….
Thành Chung