“Tăng cường kiểm tra các chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài vào dạy nghề…” là những cam kết mà Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền đưa ra trong cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng qua (5/4).
Thu hút tiền “ngoại” vào dạy nghề
Dạy nghề, nhất là đối với lao động nông thôn, là vấn đề đầu tiên được người dân chuyển đến Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Với khẳng định “sau thời gian hơn 1 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 – 2015 đã bước đầu đi vào quỹ đạo và hoạt động hiệu quả”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, vẫn còn một số trung tâm dạy nghề do chưa có kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ chưa thực sự tinh thông nên chưa thực hiện được mục tiêu nâng tỷ lệ người lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu lên 30%.
Hiện nay có 64 trung tâm dạy nghệ trên các tỉnh, thành phố nhưng người dân ở các xã, các huyện khó đến thẳng trung tâm ở các tỉnh. Chính vì vậy, nhiều tỉnh như Sóc Trăng đã các đặt điểm giao dịch vệ tinh tại các huyện để tạo thuận lợi cho người dân và Bộ trưởng cho rằng “đây là mô hình tới đây sẽ được nhân rộng”.
Kiểm soát, ngăn ngừa tai nạn lao động
Cho rằng tình trạng mất an toàn lao động hiện nay “là điều đáng tiếc”, Bộ trưởng LĐ -TB&XH lý giải là do số lượng cán bộ làm công tác thanh tra so với đối tượng cần thanh tra thì quá mỏng nên tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, “nói là để hổng công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ thì không hẳn, nhưng làm để mọi người hiểu và nâng cao trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo ATVSLĐ thì có lẽ chưa đạt được như chúng ta mong muốn”. Giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra để khắc phục trong thời gian tới là “tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, quản lý thông qua việc thanh tra và xử nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Xử lý nghiêm DN nợ BHXH
Trước sự quan tâm của một số người dân về số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2012 trên cả nước là trên 5.000 tỷ đồng, trong đó 40% tập trung tại các DN ngoài quốc doanh và 14% tại DN có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như việc thiếu các chế tài cần thiết đối với hành vi này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động khi có DN thu tiền BHXH của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm; cũng như nguyên nhân từ chính sách khi mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10%, trong khi nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm, nên DN chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng.
Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, Bộ đã có văn bản kiểm tra các DN có nợ đọng, đồng thời yêu cầu địa phương đôn đốc tích cực để yêu cầu chủ DN đóng và do đó, nợ đọng BHXH giảm 13,7% so với năm 2011. Bộ trưởng cũng cho rằng, “cần phải xử lý nghiêm những DN này. Chúng tôi đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng DN chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự”. “Với các giải pháp đồng bộ, tích cực thì số nợ BHXH sẽ giảm hẳn, nhưng đối với những DN quá khó khăn thì cũng cần phải xem xét, có sự chia sẻ từ phía nhà nước cũng như người lao động” – Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân về các chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ việc làm cho người lao động; chính sách cho người lao động vay vốn để đi xuất khẩu lao động nằm trong chương trình tạo việc làm, trong đó ưu tiên cho 62 huyện nghèo, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ…
Huy Anh