Chiều 30/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Phiên họp thứ 18 thông qua ngày 13/12/2022.
Giới thiệu một số nội dung đáng chú ý của Pháp lệnh, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, về thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên (NCTN), Pháp lệnh đã quy định một số thủ tục bảo đảm lợi ích tốt nhất và phù hợp cho các em. Cụ thể, thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Tại phiên họp, thẩm phán mặc trang phục hành chính của TAND.
Bên cạnh đó, phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp được hỗ trợ NCTN. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Tuệ, giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nhưng có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục (Điều 140a Luật XLVPHC).
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ giới thiệu một số nội dung đáng chú ý của Pháp lệnh. |
Để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi trên thực tiễn khi áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng theo quy định của Luật XLVPHC, Pháp lệnh đã quy định khi Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị, nếu có đề nghị áp dụng biện pháp thay thế giáo dục dựa vào cộng đồng thì phải kiểm tra tài liệu có đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật XLVPHC. Trong phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) thì người bị đề nghị trình bày ý kiến về căn cứ áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;
Khi xem xét đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, nếu có đủ căn cứ nêu trên thì thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Trường hợp thẩm phán quyết định không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thì công bố nội dung quyết định này tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC…
Giải đáp rõ hơn quy định “phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn” mà phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam quan tâm tại buổi công bố Pháp lệnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Nguyễn Chí Công cho hay, quy định này đã được thể hiện tại Điều 6 của Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của TANDTC về phòng xử án.
Theo đó, xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi khi xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC mà người bị đề nghị là NCTN, Tòa án sẽ tổ chức tại phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và NCTN như phiên họp được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; người dưới 18 tuổi được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; bàn, ghế được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.
Liên quan đến các BPXLHC, ông Công lý giải, theo quy định tại Điều 140a của Luật XLVPHC thì: “Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế XLVPHC….”. Như vậy, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp chuyển hướng để chuyển hướng người vi phạm ra khỏi quy trình tố tụng nên đây là biện pháp phái sinh của biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà không phải là biện pháp độc lập.
Để áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, trước hết Tòa án phải xem xét người bị đề nghị đã đủ các điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, tiếp đó xem xét các điều kiện theo quy định tại Điều 140a của Luật XLVPHC để áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng mà không bắt buộc phụ thuộc vào đề nghị của cơ quan lập hồ sơ. “Đây là điểm nhân văn nhất, rất đáng chú ý của Pháp lệnh 03”, ông Công nhấn mạnh.