Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hôm qua tổ chức tọa đàm trực tuyến về việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cung cấp nhiều thông tin liên quan để bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách hiệu quả và thực chất.
Các vị khách mời tham dự tọa đàm trực tuyến |
Nhiều điểm sửa đổi, bổ sung “ấn tượng”
Giới thiệu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - nhấn mạnh nội dung “phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân theo nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Theo đó, Dự thảo lần này tập trung vào các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà các cơ quan nhà nước khác.
Cũng theo ông Phúc, trong chương về bộ máy nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, về kiểm soát quyền lực nhà nước. Ngoài ra, có điểm mới về cách thức hiến định đơn vị hành chính lãnh thổ và chính quyền địa phương trong bối cảnh tiến hành cải cách hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương…
Bày tỏ quan điểm của cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, ông Phạm Quốc Anh- Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - cho biết thực sự ấn tượng với hai điểm nổi bật. Đó là vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát và phản biện xã hội được coi trọng. “Đây là một điều chưa từng có trong các bản Hiến pháp trước mà ngay cả trong điều lệ Mặt trận cũng chưa nêu rõ” - ông Phạm Quốc Anh lưu ý.
Thứ hai là đề cao vai trò của người dân trong cuộc sống, nói rõ hơn quyền con người và quyền công dân; chẳng hạn, “về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng… còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn” – ông Quốc Anh dẫn chứng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng rất đồng tình với ấn tượng của ông Quốc Anh về những quy định liên quan đến quyền con người và quyền công dân của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thứ trưởng phân tích: Trước đây, về quyền con người chúng ta cho là nhạy cảm và né tránh nhưng nay thì thấy là đây là giá trị phổ biến của nhân loại, do đó, lần này chúng ta quy định quyền con người cũng không xa lạ. Không những thế, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này quy định quyền con người, quyền công dân được đảm bảo bằng luật của Quốc hội…
“Tôi cho đấy là nhận thức mới trong cơ chế bảo đảm thực hiện hiện quyền con người của chúng ta”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định.
Mọi người dân có thể góp ý vào Dự thảo
Chia sẻ trước những lo ngại về tính hình thức trong việc lấy ý kiến nhân dân, ông Phúc khẳng định: “Đọc lại các văn bản liên quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo thì có thể thấy nếu chúng ta thực hiện đúng như trong quy định thì không thể có chuyện người dân không thể góp ý vào dự thảo”.
Nhiều địa phương không chỉ triển khai ở cấp tỉnh mà đã tới cấp huyện, thậm chí ở huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đã triển khai đến 118 thôn thuộc 11 xã, thị trấn. “Như vậy, công tác triển khai rất sâu rộng”, ông Phúc nói.
Với những sửa đổi rất cụ thể của Dự thảo lần này, ông Quốc Anh tin tưởng rằng việc góp ý sẽ thành công và mong muốn UBND, Mặt trận tại các địa phương tạo điều kiện cho các luật gia tham gia ý kiến từ cấp xã phường.
Thứ trưởng Liên cũng tin với cách thức tổ chức của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp huy động toàn bộ lực lượng xã hội, trong đó có vai trò rất lớn của truyền thông, thì sẽ có đợt lấy kiến hết sức thiết thực, tránh tính hình thức. Qua đó, chất lượng Hiến pháp được nâng lên theo hướng phù hợp hơn với nguyện vọng của nhân dân, trong điều kiện của đất nước ta.
Chủ tịch Quốc hội gửi thư đề nghị đại biểu Quốc hội góp ý vào Hiến pháp sửa đổi Hôm qua (23/1), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có Thư gửi các đại biểu Quốc hội đề nghị đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đề xuất với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân, nên phải được toàn thể nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, việc tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, bằng trí tuệ, tâm huyết và trọng trách của mình bám sát mục đích, yêu cầu, phạm vi và nội dung lấy ý kiến; tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, cởi mở và chân thành xây dựng, vì sự nghiệp chung của Đảng và nhân dân ta; góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đề xuất với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. VHT |
Hoàng Thư