Ám ảnh tai nạn trong sân trường
Những ngày gần đây, dư luận xã hội bàng hoàng và đau xót trước thông tin một phụ huynh lái xe ô tô bán tải vô tình cán tử vong một nữ học sinh lớp 2 ngay trong sân trường tại Đắk Lắk. Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 6h40 ngày 16/9 khi ông L.V.N (SN 1992) đưa con đi học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk).
Trời mưa, ông N lái xe ô tô vào sân trường, tuy nhiên khi lùi xe, do thiếu quan sát, ông N đã tông vào 3 học sinh đang đội chung ô đi vào trường. Hậu quả, một nữ học sinh tử vong tại chỗ, 2 em khác bị xây xát nhẹ và ảnh hưởng tâm lý nặng nề.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Krông Búk và cơ quan chức năng nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự tài xế L.V.N để phục vụ công tác điều tra. Được biết, tài xế gây tai nạn mới lấy bằng lái xe được 3 tháng. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Krông Búk đang tiếp tục làm rõ vụ việc để khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.
Về phía nhà trường, ông Lưu Đức Dũng - Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã cấm phụ huynh đi xe ô tô vào trong trường. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, bảo vệ nhà trường vừa rời khỏi vị trí làm việc để bơm nước phía sau khu tập thể, dẫn đến việc không có ai ngăn chặn phụ huynh lái xe vào sân trường. Có thể nói, cái chết thương tâm của em học sinh lớp 2 không chỉ xuất phát từ ý thức kém của vị phụ huynh mà còn do sự lơ là của lực lượng bảo vệ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên có người ngang nhiên lái xe trong trường học gây thương vong cho học sinh. Vào năm 2023, một phụ nữ lùi ô tô bất cẩn đã khiến một nữ sinh lớp 6 tử vong trong sân trường THCS Thanh Dương (Nghệ An). Trước đó, năm 2018 tại Trường Tiểu học Vân Hồ (Sơn La), một giáo viên lùi ô tô trong khu vực sân trường đã tông trúng 2 học sinh lớp 1 đang chơi trong giờ ra chơi khiến một học sinh tử vong, một em gãy tay, chân. Ở vụ tai nạn thứ nhất tài xế mới nhận bằng lái ô tô khoảng 1 tháng, vụ tai nạn thứ hai tài xế điều khiển ô tô khi chưa có giấy phép lái xe.
Rà soát, siết chặt các quy định
Để phòng ngừa các tai nạn thương tích nghiêm trọng xảy đến với học sinh tại các trường học, năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiêm cấm phương tiện xe cơ giới lưu hành hoặc dừng đỗ trái phép trong giờ học tại các khu vực sân trường, trên vỉa hè, lòng đường xung quanh cổng các trường học. Đây cũng là năm Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 1669/BGDĐT-GDCTHSSV về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, những vụ tai nạn đau lòng vẫn xảy ra khiến dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh vô cùng phẫn nộ. Tưởng chừng khuôn viên trường học là nơi an toàn đối với học sinh, nơi các em có thể thoải mái chạy nhảy, vui chơi mà không cần lo lắng. Thế nhưng, việc nhà trường và một số cá nhân tự coi sân trường là đường giao thông công cộng, sân tập lái xe hay thậm chí là bãi trông giữ xe đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn giao thông cho học sinh.
Mặc dù vào đầu năm học, hầu hết đơn vị trường học nào cũng tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh và học sinh với nhà trường về chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và an toàn giao thông. Phụ huynh và kể cả các giáo viên, nhân viên trường học đều biết rõ quy định không được phép lái ô tô vào trong sân trường. Vậy tại sao những tai nạn thương tâm vẫn xảy ra, phải chăng là do quy định chưa đủ chặt chẽ và ý thức của người điều khiển phương tiện còn hạn chế.
Trẻ em là đối tượng được pháp luật ưu tiên bảo vệ và tính mạng con người là trên hết. Rõ ràng, việc để xảy ra tai nạn giao thông trong sân trường là điều không thể chấp nhận. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát và siết chặt các quy định liên quan đến việc đưa, đón học sinh, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông. Có lẽ đã đến lúc Bộ GD&ĐT đưa ra những quy định mới chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm lớn hơn của nhà trường để có biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, cũng như phòng ngừa tai nạn thương tích tại trường học
Đồng thời, địa phương và nhà trường cần tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm hình thành văn hóa giao thông, nâng cao ý thức của mỗi cá nhân, đặc biệt là ý thức của phụ huynh, giáo viên và nhân viên trường học. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật, nhà trường cần phối hợp với lực lượng chức năng đưa ra biện pháp xử lý đối với người điều khiển phương tiện. Có như vậy mới có thể bảo đảm trường học thực sự là một nơi an toàn, xứng đáng là nơi gửi gắm của phụ huynh học sinh tới nhà trường.