Trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm, báo chí vẫn là một chiến sỹ khả dụng sát cánh cùng công an trên mọi trận tuyến. Tuy vậy mối quan hệ này chưa được quan tâm một cách thấu đáo, cả từ những nghiên cứu trên phương diện lý luận lẫn trong thực tiễn công tác. Đôi lúc cả hai cần đến nhau nhưng cũng có lúc báo chí vẫn còn những rào cản xa vời với ngành công an.
Cũng để “hiểu nhau” hơn, hôm qua 14/6, một cuộc Hội thảo với tên gọi “Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước” do Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm- Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
|
Hội thảo "Nâng cao vai trò của báo chí ,truyền thông trong phòng, chống tội phạm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước" |
1. Vấn đề này không chỉ được báo giới mà ngay cả lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm đặc biệt quan tâm. Minh chứng là đã có đến 31 báo cáo khoa học nghiêm túc của các nhà báo, quản lý báo chí, các nhà khoa học nghiên cứu và giảng dạy báo chí lẫn của các đồng chí công tác trong ngành công an gửi đến. Ở đây cũng đã có nhiều ý kiến tâm huyết, nhìn nhận khách quan về những đóng góp của báo chí trong phòng, chống tội phạm. Những bất cập và những rào cản trong quan hệ giữa nhà báo và ngành Công an cũng đã được nêu ra một cách thẳng thắn để tìm một tiếng nói và tư duy chung trong việc phối hợp thông tin trên mặt trận phòng chống tội phạm.
Trong phát biểu của Trung tướng Phạm Quý Ngọ- Thứ trưởng Bộ công an cho biết tình hình tội phạm ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện các loại tội phạm mới, nguy hiểm nên sự cộng tác của báo chí với ngành Công an càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Hay trong một trả lời phỏng vấn mới đây trên báo Pháp luật Việt Nam, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP đã cho rằng: Sự xuống cấp về các giá trị đạo đức, và những chuẩn mực trong quan hệ xã hội do tác động trái chiều của tổng hợp các vấn đề trong tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong và ngoài nước hiện nay là nguồn cơn dẫn đến phạm tội.
Để giải quyết vấn đề này phải lấy phòng ngừa là chính, phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sự phối hợp tham gia của các chủ thể trong phòng ngừa tội phạm mà trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí.
2. Tựu trung lại báo chí đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa tội phạm, đây còn là kênh để phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó với chức năng phản biện của mình, báo chí đã lên tiếng nói góp phần xử lý nghiêm tội phạm. Vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phòng chống tội phạm là vậy, nhưng trên thực tế trên lĩnh vực tiếp cận các nguồn tin an ninh trật tự, các vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, những vụ trọng án vẫn chưa có sự phối hợp nhịp nhàng dẫn đến loạn nguồn tin, lộ nguồn tin, vừa làm lộ bí mật của cơ quan điều tra lẫn làm định hướng sai dư luận xã hội.
Vậy làm sao để nhà báo tiếp cận nguồn tin một cách nhanh nhạy, đúng định hướng và đúng pháp luật từ cơ quan điều tra, và làm gì để cơ quan điều tra chủ động phối hợp phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí để thông tin chính xác và đúng định hướng là điều mà các nhà báo có mặt tại Hội thảo đặc biệt quan tâm.
Ngay là người trong cuộc, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm bày tỏ: “Thực tiễn PCTP cho thấy áp lực của công luận hỗ trợ đắc lực lực lượng CAND và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra và xử lý tội phạm và phòng chống các hành vi thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che tội phạm, góp phần đảm bảo sự công minh của pháp luật. Bởi vậy cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thônh với lực lượng CAND.
Lực lượng CAND phải thường xuyên cung cấp tài liệu về PCTP và thông báo tình hình, thủ đoạn của các loại tội phạm, các vụ việc phạm tội và vi phạm pháp luật về TTXH(ngoại trừ những vụ việc đang điều tra xét thấy lộ bí mật, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, truy tố, xét xử hoặc những vụ không có lợi về chính trị, văn hóa, đạo đức xã hội). Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận với hoạt động của cơ quan điều tra và thực tế trinh sát phức tạp về tội phạm, vi phạm pháp luật ở những nơi có nhiều phức tạp về tội phạm…đồng thời bảo vệ an toàn cho phóng viên tác nghiệp theo quy định của pháp luật...”.
Cùng quan điểm này, PGS- TS Ngô Tiến Quý- Viện trưởng Viện Khoc học Hình sự Bộ Công an cho rằng: “Cần có những thay đổi cần thiết trong mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí, cũng như thay đổi trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, như cử cán bộ chuyên trách về công tác tuyên truyền để thường xuyên tiếp cận với phóng viên, cung cấp thông tin chính thống cho phóng viên trong những vụ việc cụ thể, vì chỉ có chủ thể cung cấp tin mới biết mức độ, yêu cầu bảo mật của tin, loại tin cần cung cấp cho báo chí để chuyển tải đến công chúng và đặc biệt cần phải làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra trong tương lai, định hướng công chúng cung cấp thông tin liên quan phục vụ điều tra, xử lý vụ việc mới xảy ra…”.
3. Nếu nhận thức này được áp dụng và triển khai sẽ là một khâu đột phá để không “gây khó khăn” cho báo chí trong quá trình tác nghiệp. Và nếu cung cấp thông tin cho báo chí một cách chủ động, có định hướng thì sẽ loại bỏ được những thông tin võ đoán, nhứng thông tin sai sự thật, từ đó sẽ định hướng dư luận một cách đúng đắn.
Đành rằng, báo chí có nghiệp vụ điều tra và có các kênh điều tra riêng theo quy định của pháp luật, đôi lúc những bằng chứng của nhà báo trong quá trình tác nghiệp còn làm bằng chứng để cơ quan điều tra tham khảo trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên sẽ đạt được hiệu quả thông tin cao nhất trong phòng chống tội phạm thì báo chí và công an phải “chung một chiến hào”. Muốn vậy cơ chế phối hợp cung cấp thông tin phải “thoáng” và cởi mở hơn nữa trên tinh thần tôn trọng sự thật và pháp luật.
Trần Ngọc Hà